ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2012
Môn: LỊCH SỬ; Khối: C
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC THÍ SINH (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?
Câu 2: (2,0 điểm)
Từ năm 1919 đến năm 2000, lịch sử Việt Nam đã trải qua những thời kỳ nào? Khái quát nội dung chính của thời kỳ lịch sử diễn ra sự kiện quân và dân ta đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp.
Câu 3: (3,0 điểm)
Cuối tháng 3 - 1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã có quyết định gì để hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam? Quyết định đó được đề ra dựa trên những cơ sở nào? Tóm tắt diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4 - 1975).
II. PHẦN RIÊNG (3,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu của phần riêng (câu 4.a hoặc câu 4.b)
Câu 4a: Theo chương trình Chuẩn (3,0 điểm)
quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Câu 4.b: Theo chương trình Nâng cao (3,0 điểm)
Từ năm 1950 đến năm 2000, vị thế ngày càng nâng cao trên trường quốc tế của Ấn Độ được thể hiện như thế nào trên lĩnh vực kinh tế, khoa học - kĩ thuật và chính sách đối ngoại?
Đáp án gợi ý
Câu 1: Qua cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp, nền kinh tế của tư bản Pháp tiếp tục được mở rộng và bao trùm lên nền kinh tế Việt Nam.
Trong quá trình đầu tự vốn và mở rộng khai thác thuộc địa, thực dân Pháp có đầu tư kĩ thuật và nhân lực, song rất hạn chế. Cơ cấu kinh tế Việt Nam có chuyển biến ít nhiều, song chỉ có tính chất cục bộ ở một số vùng, còn phổ biến vẫn trong tình trạng lạc hậu, nghèo nàn. Kinh tế Đông Dương ngày càng bị cột chặt vào kinh tế Pháp và Đông Dương vẫn là thị trường độc chiếm của tư bản Pháp.
Câu 2: Từ 1919 đến 2000, lịch sử Việt Nam đã trải qua các giai đoạn lịch sử sau:
- 1919-1930: Biến chuyển kinh tế và xã hội Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất 1919 đến khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời.
- 1930-1945: Thời kì đấu tranh giải phóng dân tộc.
- 1945-1954: Thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.
- 1954-1975: Thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
- 1975-2000: Thống nhất đất nước, xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội và tiến hành công cuộc đổi mới (từ 1986).
Nội dung chính của thời kì lịch sử diễn ra sự kiện quân và dân ta đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp:
- Đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Mục đích của chiến dịch là tiêu diệt lực lượng địch ở đây, giải phóng vùng Tây Bắc, tạo điều kiện giải phóng Bắc Lào.
- Đầu tháng 3/1954, công tác chuẩn bị mọi mặt đã hoàn tất. Ngày 13/3/1954, Quân ta nổ súng mở màn cuộc tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
- Chiến dịch Điện Biên Phủ được chia làm 3 đợt:
• Đợt 1, từ 13 đến 17/3/1954: Quân ta tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam và toàn bộ phân khu Bắc. Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu 2000 địch.
• Đợt 2, từ 30/3 đến 26/4/1954: Quân ta tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm như E1, C1, D1, A1... ta chiếm phần lớn các cứ điểm của địch, tạo điều kiện để bao vây, chia cắt, khống chế địch.
• Đợt 3, từ 1/5 đến 7/5/1954: Quân ta tiến công phân khu Trung tâm và phân khu Nam. Chiều 7/5, quân ta đánh vào sở chỉ huy địch, 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, tướng Đờ Caxtơri cùng toàn bộ Ban Tham mưu bị bắt. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt.
- Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã đập tan hoàn toàn kế hoạch Nava, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lượt của thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta giành thắng lợi.
Câu 3: Sau thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế- Đà Nẵng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhận định “thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam”, từ đó đi đến quyết định “phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kĩ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa (trước tháng 5/1975)”. Ngày 14/4/1975 Bộ Chính trị quyết định chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh.
Quyết định trên dựa trên cơ sở: Ngày 6/1/1975, quân ta giành thắng lợi vang dội trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long. Sau chiến thắng này của ta, chính quyền Sài Gòn phản ứng mạnh và đưa quân chiếm lại, nhưng thất bại. Còn Mĩ chỉ phản ứng yếu ớt, chủ yếu dùng áp lực đe dọa từ xa. Thực tế thắng lợi của ta ở Phước Long, phản ứng của Mĩ và chính quyền Sài Gòn sau đó cho thấy rõ về sự lớn mạnh và khả năng thắng lớn của quân ta, sự suy yếu và bất lực của quân đội Sài Gòn; về khả năng can thiệp trờ lại bằng quân sự của Mĩ rất hạn chế. Đây là cơ sở để Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế-Đà Nẵng, quân chủ lực của ta đã hoàn toàn lớn mạnh, ta đã giải phóng hơn một nửa diện tích đất đai của chính quyền Sài Gòn (xóa bỏ hai quân khu và hai quân đoàn của địch). Trong khi đó, lực lượng quân đội Sài Gòn đã hoàn toàn suy yếu, tinh thần hoang mang, rệu rã, mất hết khả năng chiến đấu. Đó là những điều kiện và thời cơ để Bộ Chính trị đi đến quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa (trước tháng 5/1975).
Tóm tắt diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh 4/1975:
- 17 giờ ngày 26/4/1975 quân ta được lệnh nổ súng mở đầu chiến dịch, 5 cánh quân vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch.
- 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh đã phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ Cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Câu 4.a: thời kì chiến tranh lạnh kéo dài từ 1947 đến 1989, do đó chính sách đối ngoại của Nhật Bản trải qua các giai đoạn lịch sử sau:
- 1947-1952: Trong chính sách đối ngoại, Nhật Bản chủ trương liên minh chặt chẽ với Mĩ. Nhật Bản kí kết hiệp ước hòa bình Xan Phranxixcô (ngày 8/9/1951) và kết thúc chế độ chiếm đóng của Đồng minh (1952). Cùng ngày 8/9/1951, hiệp ước an ninh Mĩ-Nhật được kí kết, đạt nền tảng cho quan hệ giữa hai nước. Theo đó, Nhật Bản chấp nhận đứng dưới “chiếc ô” bảo hộ hạt nhân của Mĩ, để cho Mĩ đóng quân và xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nhật Bản.
- 1952-1973: Chính sách đối ngoại của Nhật Bản là liên minh chặt chẽ với Mĩ. Hiệp ước an ninh Mĩ-Nhật kí năm 1951 có giá trị trong 10 năm, sau đó được kéo dài vĩnh viễn. Năm 1956, Nhật Bản bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Liên Xô và cũng trong năm này trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc.
- 1973-1991: Với sức mạnh kinh tế-tài chính ngày càng lớn, từ nửa sau những năm 1970, Nhật Bản cố gắng đưa ra chính sách đối ngoại riêng của mình. Năm 1973, Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Năm 1978, Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Nhật-Trung đã được kí kết. Sự ra đời của “học thuyết Phucưđa” tháng 8/1977 được coi như là mốc đánh dấu sự “trở về” Châu Á của Nhật Bản, trong khi vẫn coi trọng quan hệ Nhật-Mĩ. Nội dung chính của “học thuyết Phucưđa” là cũng cố mối quan hệ với các nước Đông Nam Á trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và là bạn hàng bình đẳng của các nước ASEAN.
Câu 4.b: Từ năm 1950 đến năm 2000, vị thế ngày càng nâng cao trên trường quốc tế của Ấn Độ được thể hiện trên các lĩnh vực:
- Về kinh tế: Ấn Độ đã thực hiện những kế hoạch dài hạn nhằm phát triển kinh tế xã hội và văn hóa. Nhờ thành tựu của cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp, từ giữa những năm 70 của thế kỉ XX, Ấn Độ đã tự túc được lương thực cho gần 1 tỉ dân và bắt đầu xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp tăng, đặc biệt là công nghiệp nặng, cơ sở hạ tầng được xây dựng hiện đại. Vào những năm 80 của thế kỉ XX, Ấn Độ đứng hàng thứ 10 trong các nước sản xuất công nghiệp lớn nhất thế giới.
- Về khoa học kĩ thuật: Trong ba thập niên cuối thế kỉ XX, Ấn Độ đầu tư nhiều vào lĩnh vực công nghệ cao, trước hết là công nghệ thông tin và viễn thông, đang cố gắng vương lên hàng các cường quốc về công nghệ phần mềm, công nghệ hạt nhân, công nghệ vũ trụ... Cuộc “cách mạng chất xám” bắt đầu từ những năm 90 đã đưa Ấn Độ trở thành một trong những nước sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới. Năm 1974, Ấn Độ thử thành công bom nguyên tử; năm 1975, phóng thành công vệ tinh nhân tạo đến vũ trụ.
- Về đối ngoại: Ấn Độ thi hành chính sách hòa bình, trung lập tích cực, luôn luôn ủng hộ cuốc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc. Ấn Độ là một trong những nước sáng lập Phong trào không liên kết. Vị thế của Ấn Độ ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Ấn Độ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 7/1/1972.
Đoàn Văn Đạo
(Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn – TP.HCM)
Nguồn www.thanhnien.com.vn