(NTO) Huyện Ninh Sơn có 7 xã, 1 thị trấn, với 82,55% dân số toàn huyện chủ yếu sống ở khu vực nông thôn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 24-5-2011 của Tỉnh ủy (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng thực hiện chủ trương xây dựng NTM đến năm 2020, ngày 16-7-2012, Huyện ủy Ninh Sơn (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy trên địa bàn 7 xã gồm 53 thôn của huyện (trừ thị trấn Tân Sơn).
Đây là nghị quyết quan trọng nhằm huy động hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tập trung xây dựng NTM. Huyện ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết nêu trên, đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cho từng cán bộ, đảng viên, người dân, cộng đồng dân cư nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn. Đến nay, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, nhìn chung bộ mặt NTM của nhiều địa phương trong huyện đã ngày càng rõ nét; có một xã đạt chuẩn NTM trong năm 2015 (xã Nhơn Sơn) và tính đến cuối năm 2016, xã Hòa Sơn đạt 15 tiêu chí, xã Lâm Sơn đạt 14 tiêu chí, xã Quảng Sơn đạt 13 tiêu chí, xã Lương Sơn đạt 12 tiêu chí, xã Mỹ Sơn đạt 11 tiêu chí, riêng xã miền núi Ma Nới do còn nhiều khó khăn nên chỉ mới đạt 7/19 tiêu chí.
Hiệu quả kinh tế từ cây mía đã góp phần nâng cao đời sống của người dân xã Hòa Sơn. Ảnh: V.M
Đây là kết quả của sự quyết tâm rất cao của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, bởi với xuất phát điểm xây dựng NTM không được thuận lợi, kinh tế chậm phát triển, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh một số xã còn thiếu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Do vậy, một trong những giải pháp cần tập trung thực hiện đó là huy động các nguồn lực gắn với phát huy vai trò “chủ thể” của người dân. Chỉ tính trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn lực toàn huyện đã huy động đạt trên 272,74 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương chiếm 10,42%; vốn ngân sách địa phương chiếm 7,97%; vốn lồng ghép chiếm 63,75%; vốn tín dụng chiếm 8,73%; vốn doanh nghiệp chiếm 1,17%; riêng vốn huy động từ cộng đồng dân cư đạt gần 10,6 tỷ đồng, chiếm 3,88% và vốn khác (KOICA-CJ) chiếm 4,1%. Từ nguồn vốn huy động cộng với nỗ lực của của các cấp, các ngành và địa phương, nhiều công trình đã được đầu tư xây dựng, tạo cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng như thủy lợi, điện, bưu chính viễn thông, giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn... đã được xây dựng khá hoàn chỉnh, góp phần nâng chỉ số các tiêu chí, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Song song với đó, huyện còn tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Hằng năm, nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng như mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa ở các xã Nhơn Sơn, Lương Sơn; mô hình “3 giảm, 3 tăng” trên cây lúa ở xã Ma Nới; mô hình sản xuất nho, táo theo hướng VietGAP; mô hình sản xuất giống bắp lai, chuyển đổi các giống mía, giống mì mới ở các khu vực sản xuất chủ động nước; mô hình sản xuất rau an toàn, cây ăn quả đặc sản gắn với du lịch vườn... Các mô hình trên được nông dân các xã hưởng ứng tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất trên đơn vị diện tích, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào chăn nuôi từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều mô hình được triển khai như mô hình nuôi bò sinh sản ở xã Hòa Sơn, Ma Nới và các thôn đặc biệt khó khăn; mô hình chăn nuôi heo siêu nạc; mô hình trang trại nuôi heo công nghiệp thương phẩm, heo giống theo hình thức hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty CP; mô hình vỗ béo đàn bò, dê, cừu; mô hình ủ chua thức ăn chăn nuôi bò bán công nghiệp; mô hình nuôi bồ câu lai nhốt… đã tạo ra xu thế mới trong chuyển dịch cơ cấu ngành chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho nhân dân.
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Lương Sơn đã được bê tông hóa,
góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động cũng được chú trọng. Theo đánh giá của huyện, đến nay, số người không có việc làm ổn định ngày càng giảm, thời gian lao động khu vực nông-lâm được nâng lên, số người được hỗ trợ giải quyết việc làm hằng năm tăng. Bình quân số lao động được giải quyết việc làm đạt từ 1.800-2.000 lao động/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm. Với nhiều nỗ lực, thu nhập của người dân khu vực nông thôn từ 5,6 triệu đồng/người/năm (năm 2011) đã nâng lên 16,7 triệu đồng/người/năm (năm 2015), trong đó các xã như Nhơn Sơn đạt 23,2 triệu đồng, Lương Sơn 19,4 triệu đồng, Lâm Sơn 18,2 triệu đồng... Tuy nhiều xã vẫn chưa đạt tiêu chí thu nhập theo quy định nhưng cũng góp phần hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại nhiều địa phương. Theo chuẩn mới về giảm nghèo đa chiều, tính đến cuối năm 2016, hộ nghèo khu vực nông thôn toàn huyện chiếm 25,97%, giảm đáng kể so với tỷ lệ 30,82% của năm 2011 (theo chuẩn cũ), trong đó thấp nhất là xã Nhơn Sơn tỷ lệ hộ nghèo còn 6,74%; cao nhất là xã miền núi Ma Nới chiếm 60,8%...
Đánh giá về những nỗ lực xây dựng NTM, đồng chí Nguyễn Tiến Đức, Bí thư Huyện ủy Ninh Sơn, cho biết: Kết quả nổi bật nhất là một số công trình kinh tế, văn hóa, xã hội của các xã đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, từng bước hình thành rõ nét xã NTM. Mặt khác, các mô hình sản xuất có hiệu quả đã được đánh giá, tổng kết và nhân rộng góp phần tăng thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các xã. Đặc biệt là sự quan tâm ủng hộ của người dân, thể hiện rõ vai trò chủ đạo trong thực hiện chương trình xây dựng NTM...
Huyện Ninh Sơn đang phấn đấu mục tiêu đến năm 2018 xã Lương Sơn đạt chuẩn NTM, tiếp đến là các xã Mỹ Sơn, Quảng Sơn đạt chuẩn xã NTM vào năm 2019, còn lại các xã Hòa Sơn và Lâm Sơn sẽ đạt chuẩn vào năm 2020. Riêng xã Ma Nới cơ bản đạt các tiêu chí NTM, xã Nhơn Sơn được công nhận lại xã NTM với các tiêu chí đạt chỉ tiêu cao nhất. Để mục tiêu nói trên thành hiện thực, theo đồng chí Bí thư Huyện ủy, cần phát huy kinh nghiệm xây dựng NTM những năm qua, đồng thời đòi hỏi toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện phải có quyết tâm cao, tập trung mọi nỗ lực thực hiện mới có thể hoàn thành thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM đến năm 2020 theo đúng tinh thần Nghị quyết 03-NQ/HU của Huyện ủy đã xác định.
Mai Dũng