Một trong những chuỗi giá trị đó là thực hiện mô hình trồng chuối cấy mô xen canh đu đủ tại thôn Tầm Ngân 1, nơi có phần lớn là đồng bào Raglai sinh sống, kinh tế chủ yếu dựa vào việc canh tác trên những loại đất gò đồi, triền núi.
Cây chuối ở thôn Tầm Ngân 1 đang được người dân canh tác theo hướng trồng tập trung để chăm sóc nhiều hơn.
Xác định việc trồng chuối đã được bà con đưa vào canh tác từ khá lâu, tuy nhiên không được đầu tư chăm sóc, chỉ trồng thả nổi trên các khu vực đồi, núi là chủ yếu nên sản lượng vẫn còn khá hạn chế. Năm 2014, sau lần tham quan học tập và tìm hiểu thực tế về mô hình chuối cấy mô ở tỉnh Đồng Nai, nhận thấy chuối cấy mô dễ trồng, ít kén đất, khả năng chống sâu bệnh tốt, chất lượng trái lại đạt cao nên cuối năm 2014, Ban Phát triển xã Lâm Sơn đã đưa về triển khai tại 7 hộ ở thôn Tầm Ngân 1, trong đó nhóm trưởng phụ trách chung là hộ anh Ka Tơr Ha Trận. Trao đổi với chúng tôi, anh Ka Tơr Ha Trận cho biết, khi triển khai 7 hộ nhóm anh được dự án hỗ trợ 1.300 gốc chuối cấy mô và 2.400 cây đu đủ để trồng xen canh. Qua khoảng 3 tháng đầu, các loại cây phát triển khá tốt. Tuy nhiên, thời điểm hạn hán kéo dài đỉnh điểm vào giữa năm 2015 thì cây đu đủ không thể chịu nổi và hầu hết các diện tích đều thiệt hại, riêng chuối cấy mô có 3 hộ nằm trong vùng thiếu nước cũng bị thiệt hại trên 70%. Đánh giá về chất lượng trái, anh Ha Trận cho biết: “Ở thời điểm nắng hạn kéo dài như vừa qua nhưng số lượng chuối cấy mô của các hộ còn sinh trưởng đã cho trái khá đều, mặc dù kích cỡ chưa đạt như chuối thường nhưng vị ngọt thanh của chuối cấy mô đã được cơ sở thu mua Phương Thảo (cơ sở đã ký cam kết bao tiêu với nhóm chuối của Tầm Ngân 1) và một số tiểu thương ở khu vực chợ rất thích, tuy nhiên giá bán chưa thật sự cao lắm”.
Qua thực tế tìm hiểu của chúng tôi, việc triển khai mô hình chuối cây mô vẫn chưa thật sự mang lại hiệu quả, bởi hầu hết các hộ được đầu tư đều khá thất vọng vì sản lượng chuối chưa đạt theo yêu cầu. Mặc dù qua hai đợt thu hoạch từ trước và sau Tết Nguyên đán đã có hộ thu lãi hơn 2 triệu đồng với khoảng 150 gốc chuối cấy mô, tuy nhiên tính về mặt kinh tế nếu bán chuối thường tại địa phương cũng với chừng đó gốc thì giá bán đôi khi cao hơn vài trăm ngàn, vì kích cỡ trái chuối thường lớn hơn chuối cấy mô khá nhiều, khi tư thương thu mua bằng việc cân ký rõ ràng sẽ "nhỉn" hơn về mặt giá cả.
Tuy hiệu quả bước đầu của mô hình chuối cấy mô chưa thật sự đáp ứng kỳ vọng của các hộ, nhưng qua việc triển khai mô hình này đã mang lại không ít kinh nghiệm cho nông dân, nhất là đối với bà con đồng bào Raglai ở thôn Tầm Ngân 1. Từ việc trồng thả nổi ở các vùng ven đồi, triền núi, cây chuối sứ ở địa phương đã được bà con bước đầu mang về đầu tư canh tác theo hướng đầu tư chăm sóc như chuối cấy mô.
Ông Lê Tấn Lực, thành viên phụ trách hướng dẫn các nhóm chung sở thích của Ban Phát triển xã Lâm Sơn, cho biết: Hiệu quả thấp của mô hình chuối cấy mô là do thời điểm địa phương triển khai mô hình lại bị hạn hán kéo dài nên chất lượng chuối đã giảm rất nhiều, hiện nay dự án đã đi đến giai đoạn kết thúc đầu tư, dựa trên những kinh nghiệm từ mô hình chuối cấy mô, Ban Phát triển xã đã chủ động định hướng, kêu gọi các hộ dân nên đưa cây chuối sứ của địa phương về trồng tập trung và tạo nhóm liên kết để chăm sóc phát triển. Bởi nếu được tập trung chăm sóc tốt, giá trị kinh tế của chuối sứ địa phương có thể sẽ cao hơn rất nhiều so với chuối cấy mô, đặc biệt khi đầu ra đã cơ bản được một số cơ sở cam kết bao tiêu với giá cả hợp lý.
Thực tế, một số khu vực trên địa bàn tỉnh ta, trong đó điển hình có thể kể đến là xã Phước Bình, người dân đã chủ động đầu tư vào cây chuối thường mang lại hiệu quả khá cao. Vì vậy, nếu được đầu tư, chăm sóc, đúng hướng thì mô hình trồng chuối ở thôn Tầm Ngân 1 sẽ thật sự mang lại hiệu quả cho người dân.
Nguyễn Sơn