Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, tính đến hết tháng 4, toàn dự án đã giải ngân 13,54 tỷ đồng, trong đó vốn ODA 9,98 tỷ đồng (chiếm 76,8% so với 13 tỷ đồng được cấp đầu năm); vốn đối ứng 3,28 tỷ đồng (chiếm 47% so với 7 tỷ đồng được cấp đầu năm) và vốn đóng góp của người hưởng lợi 0,28 tỷ đồng. Trong 4 tháng qua, mặc dù có nhiều khó khăn do khách quan và chủ quan mang lại, nhưng với sự cố gắng của các cấp, các ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các hoạt động của dự án đã đạt được một số kết quả bước đầu, có tác động tốt. Trong sản xuất, đã hình thành được 10 mô hình liên kết sản xuất đối với các chuỗi giá trị ở địa phương giữa doanh nghiệp/cơ sở sản xuất với nông dân thông qua triển khai Quỹ Cạnh tranh doanh nghiệp (CBG). Dưới tác động của Quỹ Tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh (CSG), bước đầu các nhóm đồng sở thích đã thay đổi cách làm theo hướng tập thể, có xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể gắn với doanh nghiệp và thị trường đầu ra. Đặc biệt đã hình thành một số mô hình sản xuất phù hợp với tình hình khô hạn và biến đổi khí hậu.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương sự nỗ lực triển khai các hoạt động của các huyện, xã dự án trong 4 tháng qua và nêu ra mặt hạn chế mà các địa phương, đơn vị cần có giải pháp khắc phục. Đồng chí chỉ đạo từ nay đến cuối năm, các huyện, xã cần thay đổi cách triển khai thực hiện; đối với các dự án có vốn nước ngoài, phải có cách tiếp cận năng động, trí tuệ, chắc chắn, nghiêm túc và đạt hiệu quả; đặc biệt phải phân cấp trách nhiệm cụ thể để tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm được giao.
Bạch Thương