Kết nối thị trường qua thực hiện các tiểu dự án

(NTO) Trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, là một công cụ quan trọng cho giảm nghèo và góp phần tác động phát triển, Quỹ Cạnh tranh doanh nghiệp (CBG) đã tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại tỉnh ta. Từ nguồn vốn trên và vốn của doanh nghiệp (DN) đã có những tác động tích cực bước đầu đối với DN và người dân trong vùng dự án.

 
Người trồng nho vùng dự án Ninh Phước liên kết với doanh nghiệp để nâng cao thu nhập.

Theo báo cáo giám sát kết quả hỗ trợ triển khai các tiểu dự án được tài trợ từ Quỹ CBG của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, từ tháng 4-2015 đến nay, Quỹ CBG đã ký 10 hợp đồng tài trợ cho 10 DN, cơ sở sản xuất thuộc các chuỗi dê, bò, cừu, nho, táo, tỏi, chuối và heo đen. Qua đó 10 DN đã liên kết được 66 tổ nhóm cùng sở thích (với hơn 941 hộ) ở các vùng dự án trong tỉnh, trong đó có 200 hộ mà phụ nữ là chủ hộ, 395 hộ nghèo, cận nghèo và 170 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Về trồng trọt, diện tích DN liên kết với các nhóm có 30 ha táo, 13 ha nho, 150 ha mía, 8 ha tỏi. Về chăn nuôi, quy mô liên kết tổng đàn gia súc có sừng gồm 1.200 con bò, 3.250 con dê, cừu. Ngoài ra các DN còn liên kết với các nông dân canh tác diện tích 100 ha táo, 50 ha nho và hơn 1.500 ha mía trong vùng dự án. Hiện nay dự án đã tiến hành đánh giá giữa kỳ đối với 9 DN và đánh giá tác động cuối kỳ đối với 3 DN tài trợ vòng 1.

Theo đó, được tài trợ trong vòng 1, 3 DN thực hiện 3 tiểu dự án gồm: Tiểu dự án “Xưởng sơ chế và chế biến sản phẩm nho, táo sau thu hoạch” của DN Tư nhân Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Ba Mọi, tiểu dự án “Mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển kinh doanh” của Cơ sở chế biến thực phẩm Viết Nghi và tiểu dự án “Hợp tác phát triển chuỗi giá trị dê, cừu” của Cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín. Từ tài trợ của Quỹ CBG, việc đầu tư mới máy móc, thiết bị, xây dựng nhà xưởng và đầu tư nâng cấp lò giết mổ, kho cấp đông, hợp tác liên kết sản xuất với các hộ nông dân thông qua việc ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã đáp ứng tốt nguồn nguyên liệu đầu vào cho DN. Với sự tác động từ nguồn lực của dự án, các cơ sở, DN đã tăng cường và mở rộng thị trường tiêu thụ, giải quyết được một phần nỗi lo được mùa rớt giá thường xuyên xảy ra của nông dân, góp phần giải quyết nhiều vấn đề xã hội và tích cực đóng góp vào việc xây dựng nông thôn mới.

Theo Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh (PCU), các tiểu dự án được triển khai phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đã được Văn phòng Quốc gia IFAD (Quỹ Quốc tế phát triển nông nghiệp) tại Việt Nam đồng thuận, và đã triển khai đến nay đạt yêu cầu theo đúng các nội dung được PCU phê duyệt. Để tiếp tục phát huy tác dụng các tiểu dự án, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ, giám sát và đẩy mạnh công tác phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời để cơ sở triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả dự án. Trong đó, yêu cầu các DN phối hợp chặt chẽ với Ban Phát triển các xã nơi triển khai dự án để triển khai có hiệu quả việc tuân thủ hợp đồng đã ký với nông dân, hướng tới mục tiêu mở rộng kết nối thị trường tiêu thụ, nâng thu nhập cho nông dân trong và ngoài vùng dự án.