DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Tác động giảm nghèo từ nhóm nuôi cừu xoay vòng thôn Mỹ Hiệp

(NTO) Mỹ Sơn là một trong sáu xã thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông huyện Ninh Sơn, có dân số trên 10.500 người. Khi xác định chuỗi giá trị ưu tiên vì người nghèo, Ban Phát triển xã Mỹ Sơn chọn chăn nuôi là thế mạnh của địa phương. Ngoài 2 chuỗi giá trị bò và dê, Ban Phát triển xã còn xác định thêm chuỗi giá trị cừu tại thôn Mỹ Hiệp.

Thôn Mỹ Hiệp (xã Mỹ Sơn) là nơi sinh sống của đa số người dân Raglai, ngoài trồng trọt, người dân ở đây còn chăn nuôi bò, dê để cải thiện cuộc sống, đặc biệt gần đây cừu được chú trọng đưa vào nuôi. Để phát triển chuỗi giá trị cừu, từ giữa tháng 4-2014, tổ nhóm cùng sở thích chăn nuôi cừu thôn Mỹ Hiệp được thành lập gồm 6 hộ thành viên (đều là hộ nghèo dân tộc Raglai), do anh Châm Ngọc Hoàng Lan làm trưởng nhóm.

Cừu từ tổ nhóm chuyển giao cho các hộ mới nhận nuôi.

Trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, sau khi thành lập, từ nguồn vốn Hợp phần 2 (Phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo) và Quỹ Tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh (CSG), các thành viên trong nhóm được bàn giao cừu nuôi. Cụ thể tháng 10-2014, có 3 hộ thành viên nhận từ Hợp phần 2, mỗi hộ 6 con cừu (trị giá 3 triệu đồng/con) để nuôi sinh sản theo mô hình Heifer. Đến tháng 2-2015, Quỹ CSG hỗ trợ 100 triệu đồng cho toàn bộ 6 hộ thành viên, số tiền này được tổ nhóm mua cừu giống phân phối cho mỗi hộ nuôi trung bình 4 con. Như vậy, trong 6 hộ thành viên của tổ nhóm nuôi cừu thôn Mỹ Hiệp có 3 hộ được nhận 2 nguồn hỗ trợ từ Hợp phần 2 và Quỹ CSG, 3 hộ chỉ nhận được 1 nguồn từ Quỹ CSG.

Qua một thời gian nuôi, đến nay, các hộ trong tổ đều có cừu nuôi sinh sản, dẫn đầu là 3 hộ được nhận cừu nuôi từ 2 nguồn hỗ trợ Hợp phần 2 và Quỹ CSG. Cụ thể, cừu nuôi của anh Châm Ngọc Hoàng Lan đã đẻ được 28 cừu con, của chị Bo Thị Linh đẻ 26 con và của chị Trần Thị Buối đẻ được 24 con. Hiện trong nhóm vẫn còn nhiều cừu nuôi đang cấn chửa, như vậy sẽ không lâu nữa, đàn cừu dự án có khả năng sẽ tăng lên gấp nhiều lần so với ban đầu. Anh Châm Ngọc Hoàng Lan chia sẻ: “Nhóm chúng tôi trước đây chưa từng có hộ nào nuôi cừu, thế nhưng nhờ DASU tổ chức các lớp tập huấn, bà con được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên cừu nuôi tăng trưởng nhanh, bất chấp đang mùa khô hạn, gặp nhiều khó khăn về thức ăn, nước uống”. Không có đồng cỏ tự nhiên và không thuận lợi về điều kiện chăn thả, các hộ nuôi cừu trong tổ phải trồng trung bình mỗi hộ 1 sào cỏ và bắp (sử dụng cây lá non) làm thức ăn và chịu khó lùa cừu đến các khe, vũng tìm nước uống. Sự cần cù là yếu tố giúp đàn cừu tiếp tục sinh sôi ở Mỹ Hiệp.

Theo quy chế nuôi xoay vòng, sau hơn 1 năm nuôi, mỗi hộ hưởng lợi từ Hợp phần 2 phải chuyển giao lại 6 con cừu cho hộ nuôi mới liền kề theo danh sách đã chọn. Đối với các hộ hưởng lợi từ Quỹ CSG, mỗi hộ phải hoàn lại 50% tiền nhận, quy ra tương ứng 2 con cừu cái đang cấn chửa, số cừu này cũng tiếp tục giao cho các hộ nuôi mới (trước mắt chia làm 2 đợt giao, mỗi đợt 1 con). Chiều 4-5, cùng đoàn cán bộ Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh (PCU) đến giám sát việc chuyển giao cừu nuôi tại thôn Mỹ Hiệp, chúng tôi đã tiếp cận với 6 hộ trong tổ nhóm nuôi cừu và 4 hộ mới chuẩn bị nhận bàn giao cừu nuôi. Sau khi tổ chức bốc thăm, có 3 hộ mới nhận tổng cộng 18 con cừu (trọng lượng mỗi con từ 20kg trở lên) từ 3 hộ nuôi cũ theo nguồn vốn Hợp phần 2, 1 hộ nhận 6 con cừu cái cấn chửa từ 6 hộ nuôi cũ theo nguồn vốn Quỹ CSG. Cả hộ giao và hộ nhận đều rất phấn khởi, các hộ nuôi mới đã chuẩn bị chuồng trại, chủ động về thức ăn để đón cừu về nuôi.

Theo anh Châm Ngọc Hoàng Lan, tuy giá cừu giảm và thời tiết khắc nghiệt làm ảnh hưởng tới chất lượng cừu, nhưng có thể nói mô hình nuôi cừu xoay vòng đã đem đến kết quả khả quan. Thông qua tổ nhóm, người dân được biết thêm kỹ thuật chăn nuôi, nâng tính cộng đồng tương trợ nhau trong cuộc sống. Với ưu điểm cừu là giống vật rất dễ nuôi, ít mắc bệnh, lại có thể ăn bất kể cây lá gì không độc, người dân Mỹ Hiệp đang chú trọng phát triển nghề nuôi cừu nhằm có thêm cơ hội thoát nghèo bền vững, cải thiện dần chất lượng cuộc sống.