Anh Đàng Năng Tom, Phó trưởng ban DASU huyện Ninh Phước, cho biết: Để triển khai Quỹ CSG, DASU huyện đã thực hiện một số hoạt động như: Tuyên truyền về nội dung Quỹ CSG đến tất cả các nhóm của 3 xã dự án là An Hải, Phước Thái và Phước Vinh; hỗ trợ hướng dẫn các nhóm xây dựng hồ sơ đề xuất và tiến hành xét tuyển hồ sơ đề xuất. Theo đó, năm 2014, huyện có 6 đề xuất được tài trợ, chủ yếu tập trung vào các chuỗi giá trị dê, cừu và táo, với tổng vốn đầu tư từ Quỹ CSG là 596,8 triệu đồng. Năm 2015, có 14 đề xuất thuộc các chuỗi giá trị bò, cừu, dê, táo, nho, lúa và măng tây xanh được tài trợ; tổng vốn đầu tư cho các tiểu dự án hơn 1,357 tỷ đồng. Tiếp tục triển khai Quỹ CSG trong năm 2016, DASU đã tiến hành xét tuyển 2 vòng, có 14 bộ hồ sơ trúng tuyển gồm các chuỗi giá trị bò, cừu, dê, táo, nho, lúa, bắp và măng tây xanh, với tổng chi phí đầu tư của các tiểu dự án hơn 1,913 tỷ đồng. DASU huyện cũng đã xúc tiến cho 3 doanh nghiệp: Trang trại Chăn nuôi Lê Duy Tuấn, Trang trại Nho Ba Mọi, Cơ sở Thiên Nông Phú tham gia kết nối với các NST thông qua Quỹ CSG. Khi tham gia mối liên kết sản xuất, kinh doanh giữa doanh nghiệp, các NST được hỗ trợ đầu vào sản xuất với giá cả cạnh tranh, tập huấn kỹ thuật và cam kết ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp có sự giám sát của Ban Phát triển xã, DASU huyện.
Thông qua Quỹ CSG, các NST trồng táo trên địa bàn huyện Ninh Phước đã triển khai và nhân rộng mô hình trồng táo an toàn theo hướng VietGAP.
Từ nguồn vốn giải ngân, DASU huyện triển khai hoạt động hỗ trợ vật tư và tập huấn nhân rộng 8 mô hình sản xuất nho, táo, măng tây xanh theo quy trình VietGAP và mô hình lúa “1 phải, 5 giảm” trên địa bàn 3 xã dự án, với diện tích 1ha nho, 2,8 ha táo, 3,1 ha măng tây xanh và 8,5 ha lúa. Kết quả, các hộ tham gia mô hình thuộc nguồn Quỹ CSG của huyện bước đầu đã tiếp cận và từng bước nâng cao khả năng ứng dụng khoa học-kỹ thuật, trang bị kỹ năng sinh hoạt và quản lý nhóm, thương lượng với các doanh nghiệp về hợp đồng giá cả, vật tư đầu vào, nắm được quy trình sản xuất hiệu quả cao… Qua tổng kết các mô hình cho thấy, năng suất cây trồng của các hộ tăng từ 5-10%, thu nhập tăng từ 10-20%, các hộ đã xoay vòng vốn và tái sản xuất cho chu kỳ tiếp theo. Bên cạnh đó, các thành viên luôn tuân thủ và tích cực tham gia vào việc duy trì sinh hoạt tổ, nhóm, thực hiện đúng các cam kết trong đề xuất cũng như xây dựng quỹ tiết kiệm. Từ đó, tạo cơ sở để Ban phát triển các xã vùng Dự án HTTN tiếp tục nhân rộng cách làm và các mô hình thành công tại địa phương.
Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi, DASU huyện tập trung triển khai mô hình nuôi cừu vỗ béo; nuôi dê, cừu sinh sản với 6 nhóm NST tham gia. Từ nguồn Quỹ CSG đã hỗ trợ 50 con cừu đực thịt; 60 con cừu, 60 con dê sinh sản cho các hộ nghèo và cận nghèo; nuôi tối thiểu trong 3 tháng, cừu sẽ đạt trọng lượng thịt để xuất bán. Mục tiêu của dự án là giúp các hộ chăn nuôi cải thiện sản lượng từ 20-30%, thu nhập tăng từ 15-30%, các hộ sẽ có điều kiện quay vòng vốn của dự án và tái sản xuất cho chu kỳ tiếp theo, đảm bảo mô hình tiếp tục phát triển bền vững.
Diễm My