Lâm Sơn: Xây dựng nông thôn mới " kiểu" Hàn Quốc

(NTO) Với sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc, năm 2014 xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) triển khai mô hình Saemaul ở thôn Tầm Ngân 2, đến nay đã tạo được chuyển biến tích cực.

Saemaul có nghĩa là phong trào đổi mới nông thôn thực hiện có hiệu quả ở Hàn Quốc vào năm 1970 đang được áp dụng tại thôn Tầm Ngân 2 có điểm nổi bật là bám sát tinh thần “chăm chỉ, tự giác, hợp tác”. Cuộc vận động cải cách ý thức dựa trên khẩu hiệu “đã làm là được” của các thành viên Ban Quản lý Saemaul giúp người dân tin tưởng vào sức mình, tạo niềm hứng khởi chung sức xây dựng thôn xóm khang trang, cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ hoạt động không biết mệt mỏi của các điều phối viên đã có 21 hộ dân ở thôn không cam chịu đói nghèo, từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu, hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị.

Hoạt động của Saemaul đã làm chuyển biến ý thức người dân thôn Tâm Ngân 2
phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo bằng hình thức sản xuất ớt theo chuỗi giá trị.

Ngày đầu năm mới, về thôn Tầm Ngân 2 tham quan cánh đồng ớt trĩu quả sắp đến kỳ thu hoạch mới hay lời dạy “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” của Bác Hồ là chân lý. Chăm chỉ đã là động lực tự nguyện của 21 hộ dân không ngừng vượt qua khó khăn tiến tới thành công, trở thành “ông chủ” của “cánh đồng ớt liên kết” rộng hơn 4 ha. Anh Sohao Ha Thủy, tự tin: Hoạt động vì cộng đồng của các thành viên trong phong trào “Saemaul” đã khơi dậy ý chí tự lực, tinh thần làm chủ, chịu trách nhiệm về cuộc sống, giúp tôi sớm đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, tạo thêm thu nhập.

Trên cánh đồng ớt bạt ngàn sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt hiện nay ở thôn Tầm Ngân 2, trước đây các hộ trồng bắp, đậu nhỏ lẻ, nay bà con nhận thức được muốn cuộc sống đổi thay phải dựa vào sự phát triển của cộng đồng thông qua tự nguyện tham gia vào hợp tác xã (HTX). Mới thành lập từ tháng 8-2015, nhưng HTX Tầm Ngân sớm đi vào hoạt động đạt được nhiều kết quả ban đầu. Các dịch vụ cho thuê nông cụ, cung cấp vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản… của HTX đã góp phần làm nên vụ ớt bội thu. Anh Ha Khiết, Giám đốc HTX, cho biết: Còn nhiều việc HTX đang chuẩn bị triển khai vào cuối tháng 1 này như thu mua, phơi khô, đóng gói sản phẩm ớt đưa đi tiêu thụ, nhưng với các hoạt động hữu hiệu vừa qua, có thể nói HTX thực sự trở thành “bà đỡ” cho nông dân an tâm sản xuất theo chuỗi giá trị.

Từ sự hỗ trợ kinh phí đấu nối đường nước sinh hoạt vào các hộ dân của Saemaul,
ý thức gìn giữ môi trường của bà con thôn Tầm Ngân 2 được nâng lên.

Cũng chú trọng vận động nông dân phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới như các xã khác đang làm, nhưng mô hình Saemaul lại đi sâu vào những công việc cụ thể. Để tuyên truyền cộng đồng cùng tham gia, mô hình đưa ra khẩu hiệu “khắc phục đói nghèo, chúng ta cùng có cuộc sống sung sướng”. Nhiều phóng sự nêu gương sáng nông dân có ý chí thoát nghèo được phát hình lồng ghép vào các buổi chiếu phim định kỳ tại nhà cộng đồng thôn đã khuyến khích bà con noi gương làm theo. Không dừng lại đó, hình thức tổ chức buổi chợ đêm với các mặt hàng nông sản, ẩm thực địa phương diễn ra vào thứ bảy tuần đầu tiên hàng tháng tuy lợi nhuận thu được không nhiều, nhưng đã tạo cơ hội cho bà con vùng cao tham gia vào hoạt động buôn bán, giúp người dân hiểu được mọi thành công trong cuộc sống đều bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất.

 

Thôn Văn hóa Tầm Ngân 2 thuộc xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn. Ảnh: Sơn Ngọc

Khi người dân biết tự nghĩ cách cứu mình bằng những việc làm bình thường nhất, biết hợp tác cùng giúp đỡ nhau phát triển, thì sự hỗ trợ của Nhà nước rất ít, chỉ là chất “xúc tác” ban đầu, mọi công việc đều do dân tự làm hết. Nơi vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít nhiều còn ảnh hưởng cuộc sống “du canh, du cư” mà cứ tuyên truyền bảo vệ môi trường, vệ sinh thôn xóm chung chung thì bà con chỉ hiểu việc đó đã có người khác lo. Cái hay trong cách làm của mô hình Saemaul là hỗ trợ những cái dân cần như đưa đường ống nước sinh hoạt vào tận nhà, từ đó lồng ghép vận động bà con cải thiện môi trường xung quanh vòi nước máy. Kinh phí đầu tư lắp đặt đường ống không nhiều, nhưng hiệu quả làm sạch môi trường ở khu dân cư chuyển biến rõ rệt. Đều đặn các buổi chiều hằng ngày, 260 hộ dân ở thôn dành thời gian thu gom rác, trồng cây xanh xung quanh khu vực. Đồng chí Nguyễn Văn Thu, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Sơn, nhìn nhận: Phương châm bắt đầu từ những việc dễ làm trước, khó làm sau; ban đầu làm nhỏ, dần dần của Saemaul mở rông ra đã thu hút 100% hộ dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.

Năm 2015, đánh dấu thành công vượt bậc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khi có tới 11 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí. Tuy vậy, một số địa phương còn gặp nhiều lúng túng trong triển khai thực hiện. Thiết nghĩ, cách làm của mô hình Saemaul rất đáng để các nơi tham khảo.