Làng Chăm Phước Nhơn ( xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng
hệ thống giao thông khang trang đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Ảnh: Sơn Ngọc
Thì ra giữa tuyên truyền, vận động của cán bộ địa phương với bà con nông dân đâu phải lúc nào cũng “xuôi chèo, mát mái” nếu thiếu kiên trì và lắng nghe phản hồi từ phía người dân. Từ cái sự hỏi cắc cớ của mấy bác nông dân chúng tôi thử tìm hiểu tại một số địa phương trong tỉnh, thực tế là đa phần bà con chưa hiểu đúng, đủ vai trò “chủ thể” của mình. Nguyên nhân vẫn là nhận thức của lãnh đạo địa phương và người dân chưa đầy đủ về xây dựng NTM. Không ít địa phương cho rằng, Chương trình xây dựng NTM là cơ hội để có được các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước và nhân dân để xây dựng kết cấu hạ tầng mà xem nhẹ vai trò "chủ thể" là người dân. Từ đó, chỉ quan tâm đến quy hoạch, đề án xây dựng kết cấu hạ tầng như đường giao thông… theo các tiêu chí. Ngược lại, cũng có không ít người dân cho rằng đây là chương trình của Nhà nước đầu tư cho địa phương, là việc của lãnh đạo địa phương chứ không phải là việc của mình! Đúng lý ra phải hiểu rõ rằng, cùng với việc tham gia đóng góp công sức, tiền của, ý kiến để xây dựng Chương trình NTM chính là việc tự đầu tư để góp phần nâng cao thu nhập trong các hoạt động kinh tế, giữ gìn nếp sống văn hóa, giữ vững an ninh trật tự… Tựu trung lại là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của chính bà con. Một nguyên nhân khác, đó là do chưa được tuyên truyền đầy đủ, cụ thể, chưa thực hiện “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”… của chính quyền địa phương. Đơn cử như trong việc xây dựng đường giao thông, người dân cần biết chủ trương của Đảng, Nhà nước thực hiện chương trình này là tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của chính người dân. Do vậy, ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước thì người dân phải tham gia đóng góp công lao động, tiền của, cả việc hiến đất để làm… Thành quả tạo ra rõ ràng là người dân tại địa phương được hưởng lợi. Nếu người dân hiểu rõ như vậy, làm “chủ thể” như vậy thì sẽ tích cực tham gia, đồng thời không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Thực tiễn cho thấy, một khi người dân được bàn bạc, được tham gia góp ý cho những công việc cụ thể tại địa phương và lãnh đạo địa phương biết lắng nghe, tiếp thu thì sẽ tạo được đồng thuận cao trong việc thực hiện.
Suy cho cùng để nông dân thực sự làm “chủ thể” và hiểu rõ vai trò của mình trong các chương trình tại địa phương không gì khác là cần phát huy tốt quy chế dân chủ, muốn “dân làm” thì trước hết dân phải “biết, bàn, kiểm tra”!.Đây là bài học không mới nhưng vẫn luôn mang tính thời sự.
Hạ Huyền