Có những vùng anh còn nhớ thuở nào chỉ có đường bờ ruộng lầy lội, nay là đường bê tông rộng rãi, thoáng sạch; đi vào các cánh đồng lúa, anh còn thấy những dòng kênh mương trong xanh chảy len lỏi giữa đôi bờ được xây kiên cố bằng đá. Trong mắt anh, bộ mặt nông thôn tỉnh ta đang đổi mới rõ nét.
Như điều mà bạn tôi cảm nhận, bộ mặt mới của nông thôn tỉnh nhà đã được khẳng định rõ tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2010-2020, diễn ra vào cuối tháng 10-2019. Theo UBND tỉnh, trong quãng thời gian trên tỉnh ta đã chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng cơ bản, thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt… góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn theo hướng khang trang, sạch, đẹp. Đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, toàn tỉnh đã đầu tư, nâng cấp hơn 400 km đường nông thôn, xây mới 8 cầu và nhiều công trình trên đường; bảo trì, bảo dưỡng gần 500 km đường nông thôn; kiên cố hóa hơn 60 km kênh mương. Trong thành quả xây dựng NTM, ngoài các công trình hạ tầng, điểm đáng lưu ý là tác động của công tác tuyên truyền, vận động đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân: Từ chỗ trông chờ, ỷ lại sự đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tích cực, phát huy được vai trò chủ thể trong xây dựng NTM.
Giống nho mới NH01-152 đang trồng phổ biến ở xã Vĩnh Hải (Ninh Hải). Ảnh: V.M
Thật vậy, đến các miền quê trong tỉnh hôm nay, chúng tôi ghi nhận phong trào thi đua xây dựng NTM đã tạo sức lan tỏa, sự đồng thuận và không khí thi đua sôi nổi rộng khắp. Tại huyện Ninh Phước, theo đồng chí Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND huyện, trong giai đoạn từ 2010 đến nay, người dân trong huyện đã hiến 137.948 m2 đất, trên 1.000 ngày công lao động; đóng góp hơn 1.607 bóng đèn thắp sáng các tuyến đường liên xã, ở thôn, ngõ xóm. Nhiều địa phương đã phát huy tốt nội lực của dân trong việc hiến đất mở rộng đường giao thông, kênh thủy lợi như các xã Phước Vinh, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Thái, Phước Hậu, Phước Hữu;... Tại thôn Vạn Phước (xã Phước Thuận), qua vận động của chính quyền, Mặt trận xã, nhân dân đã giải tỏa 1,5 km hành lang mương Chai và di dời mồ mã ra khỏi khu dân cư thôn. “Vừa rồi, nhờ vận động 65 hộ dân hiến 3.200 m2 đất, Vạn Phước đã hoàn thành bê tông đường nội thôn (dài 1 km) từ tỉnh lộ 708 đến nhà tưởng niệm cụ Trần Thi” - ông Trịnh Quang Thảo, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận kiêm Trưởng Ban quản lý thôn Vạn Phước chia sẻ.
Ở huyện Ninh Hải, chúng tôi được biết trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, người dân cũng hưởng ứng sôi nổi phong trào hiến đất, đóng góp tiền của, công sức xây dựng hạ tầng trong thôn, xóm. Điển hình ở thôn Thủy Lợi (xã Tân Hải), có ông Đoàn Minh Tâm nêu gương người đầu tiên xin hiến đất với diện tích 300 m2 cho UBND xã tiến hành làm đường, bên cạnh đó ông còn tham gia cùng chính quyền vận động các hộ khác hiến đất tương tự. Ở thôn Tân An (xã Tri Hải) có hộ bà Nguyễn Thị Mẫu hiến 1.500m2 đất để xây dựng trường mẫu giáo. Xã Thanh Hải có các nông dân Lê Khán, Lê Thành Diệu, ngụ thôn Mỹ Tân 2 và nông dân Võ Long, cư trú thôn Mỹ Phong, hiến đất làm đường giao thông. Đặc biệt tại xã Phương Hải có ông Phạm Công Đạm, nông dân thôn Phương Cựu 3, tự nguyện bỏ kinh phí ra để xây dựng khoảng 147 m đường bê tông và làm rãnh thoát nước trên mặt các tuyến đường bê tông trong khu dân cư để đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng chí Võ Thể, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải khi trao đổi với chúng tôi đã gợi ý: “Mùa xuân này nếu về Ninh Hải sẽ thấy các xã NTM rực rỡ sắc hoa ven đường do người dân hưởng ứng trồng và chăm sóc”.
Đoạn mương chảy qua thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam (Thuận Nam) được kiên cố hóa phục vụ sản xuất và đi lại của người dân.
Cùng với xây dựng hạ tầng NTM, kinh tế nông thôn tỉnh ta có chuyển biến tích cực; theo định hướng cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, các thế mạnh của địa phương đã từng bước được khai thác. Ở huyện Thuận Nam, đến xã Phước Nam tìm hiểu, chúng tôi được ông Nguyễn Sơn, Trưởng thôn Văn Lâm 4 dẫn đi tham quan một số mô hình tưới nước tiết kiệm hiệu quả. “Diện tích tưới tiết kiệm đang tăng nhanh ở Văn Lâm 4 và Nho Lâm, nhiều người dân đang chuyển đổi cây trồng thành công nhờ áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm” - ông Nguyễn Sơn nói. Tại Thuận Bắc, theo đồng chí Lê Kim Hoàng, Chủ tịch UBND huyện, qua phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, Thuận Bắc đã xây dựng được 3 cánh đồng lớn sản xuất lúa giống quy mô 232 ha gắn với liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, xác định các vùng trồng măng tây xanh, mãng cầu, bưởi da xanh và trồng cây ăn quả, cây lâu năm; đặc biệt đã tiến hành xây dựng thương hiệu heo đen và gà Thuận Bắc.
Có thể nói nhờ chú trọng xây dựng NTM gắn với thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh, điều kiện sống cả về vật chất lẫn tinh thần của phần lớn dân cư nông thôn tỉnh ta được nâng cao. Bây giờ đi từ đồng bằng đến miền núi, giữa lồng lộng hương đồng, gió nội tôi càng cảm khái hơn khi được trò chuyện với các nông dân, nghe những lời góp ý xây dựng NTM chân tình. “Xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, quán triệt tư tưởng ấy, cả tỉnh ta đón mùa xuân về trong niềm hân hoan hướng tới mục tiêu năm 2020 có thêm 1 huyện đạt chuẩn NTM và 60% số xã đạt chuẩn NTM.
Bạch Thương