Tập trung nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới

(NTO) Thời gian qua, với sự nỗ lực, quyết tâm của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhờ đó bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi thay, chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên.

Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Mặc dù việc triển khai chương trình NTM giai đoạn 2016-2018 còn gặp nhiều khó khăn do hạn hán kéo dài, nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khá thấp so với nhu cầu, nhất là vốn đầu tư kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, bộ tiêu chí mới bổ sung thêm nhiều nội dung và yêu cầu cao hơn so với bộ tiêu chí cũ nhưng các xã đã chủ động triển khai thực hiện với nhiều giải pháp phù hợp để giữ vững, nâng cao các tiêu chí đã đạt và phấn đấu hoàn thành các tiêu chí chưa đạt. So với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đến nay tỉnh ta có 17/25 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 68% kế hoạch.

Nông dân Ninh Phước ứng dụng mô hình canh tác măng tây xanh và dưa lưới công nghệ cao. Ảnh: S.N

Qua thống kê, trong giai đoạn 2016-2018, bằng nguồn lực trực tiếp của chương trình mục tiêu quốc gia và lồng ghép các nguồn vốn khác để phát triển sản xuất, đã góp phần giảm số lượng hộ nghèo ở khu vực nông thôn, thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn tăng trưởng và phát triển bền vững, an sinh xã hội được đảm bảo. Người nghèo được hỗ trợ, cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước và cộng đồng phục vụ cho phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm dần mức chênh lệch so với khu vực thành thị. Nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất được triển khai và nhân rộng; nhiều biện pháp củng cố, hỗ trợ thành lập hợp tác xã và kết nối với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm được triển khai. Cụ thể, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp cùng các địa phương vận động các hộ dân chuyển đổi từ đất trồng lúa và đất màu kém hiệu quả sang các cây trồng khác với diện tích hơn 2.933 ha; nhân rộng 7.236 ha mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa; triển khai mô hình tưới nước tiết kiệm trong sản xuất rau an toàn với diện tích 348 ha. Bên cạnh đó các mô hình: trồng táo, nho kết hợp nuôi dê, cừu vỗ béo; mô hình sản xuất theo hướng VietGAP trên cây nho, táo cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Việc liên kết với doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm trong sản xuất cũng được đẩy mạnh, điển hình như: mô hình liên kết công ty giống CP, công ty giống Nha Hố sản xuất 308,8 ha bắp giống; liên kết công ty Cánh Đồng Việt Ninh Thuận trồng 9 ha cây nha đam; liên kết công ty Linh Đan trồng 20 ha cây măng tậy xanh… Duy trì mô hình liên kết nuôi heo tập trung quy mô từ 600-2000 con/trại, nuôi gà đẻ chuồng lạnh tập trung quy mô 2.000 con/trại tại xã Phước Vinh (Ninh Phước). Riêng năm 2017 đã triển khai thực hiện thí điểm sản xuất lúa giống quy mô 56 ha tại xã Phước Hậu (Ninh Phước), năng suất bình quân đạt 73,5 tạ/ha, cao hơn năng suất bình quân toàn huyện là 9,17 tạ/ha. Năm 2018 thực hiện 14 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích trên 1.328 ha… Ngoài ra, từ nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của chương trình NTM, các địa phương đã cứng hóa 67,55 km đường giao thông nông thôn; đầu tư mới 3 công trình điện gồm: trạm biến áp và 4,45 km đường dây hạ áp phục vụ sản xuất; xây mới 5 đài phát thanh xã và 3 nhà văn hóa xã; sửa chữa, nâng cấp 4 nhà văn hóa thôn... Các địa phương cũng đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn, dự án khác và nguồn huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư để đầu tư cơ sở hạ tầng.

Bê tông hóa đường giao thông nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới
tại xã Phước Diêm (Thuận Nam). Ảnh Văn Nỷ

Bên cạnh những mặt thuận lợi, việc triển khai xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn do một số cơ chế, chính sách, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương ban hành chậm và thiếu đồng bộ, cho nên công tác huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội để thực hiện một số nội dung như làm đường giao thông, nhà văn hóa, xóa nhà tạm, nhà dột nát... còn nhiều hạn chế, cho nên tiến độ xây dựng NTM tại các xã theo kế hoạch chưa đạt theo yêu cầu.

Trong giai đoạn 2019-2020, để thực hiện mục tiêu có từ 1-2 huyện đạt chuẩn NTM; 50% số xã đạt chuẩn NTM và không có xã dưới 9 tiêu chí, trước hết các cấp, các ngành cần chú trọng vào công tác tuyên truyền, tạo phong trào xây dựng NTM mạnh mẽ, rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng NTM. Cùng với đó, tập trung mọi nguồn lực đảm bảo thực hiện hiệu quả chương trình; đẩy mạnh sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm năng suất, chất lượng cao. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong xây dựng NTM.