Thực hiện lời dạy của Bác, “Dân vận khéo, thì việc gì cũng thành công”, các cơ quan hành chính nhà nước luôn đề cao, coi trọng đúng mức và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác dân vận. Đặc biệt, để đổi mới và nâng cao hiệu quả của công tác DVCQ, UBND tỉnh đã tiến hành rà soát, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo triển khai công tác DVCQ của tỉnh và ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai để các sở, ngành, địa phương cụ thể hóa theo chức năng, nhiệm vụ gắn với chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII; gắn với việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cán bộ xã Phước Diêm (Thuận Nam) làm tốt công tác dân vận góp phần xây dựng Nông thôn mới. Ảnh Văn Nỷ.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác DVCQ đã có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động luôn nâng cao tinh thần phục vụ và ý thức trách nhiệm trước Nhân dân trong quá trình thực thi công vụ, tăng cường trách nhiệm trong việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng luật định; khắc phục tệ quan liêu, cửa quyền, gây phiền hà cho Nhân dân, luôn tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bên cạnh đó, lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp tích cực chỉ đạo thực hiện các biện pháp để phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, chăm lo đời sống nhân dân, làm tốt công tác vận động quần chúng nhân dân, triển khai đầy đủ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội ngay từ đầu năm; tăng cường thể chế, thu hút nguồn lực, đổi mới thu hút gắn với kiến tạo môi trường đầu tư, quan tâm đến doanh nghiệp nhiều hơn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tổ chức nhiều hội nghị gặp mặt, đối thoại, giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; tập trung giải quyết các vấn đề nổi lên liên quan đến quyền lợi thiết thực của người dân như: bồi thường giải phóng mặt bằng, đất ở, đất sản xuất cho nhân dân, xây dựng nông thôn mới, hoạt động tôn giáo, công tác dân tộc... Qua đó, đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, củng cố được niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Một trong những yêu cầu trọng tâm được UBND tỉnh xác định để nâng cao hiệu quả công tác DVCQ là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Riêng trong năm 2017, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc việc công khai, đăng tải các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết trên Trang Thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị. Duy trì thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết các TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại các sở, ngành, địa phương. Toàn tỉnh hiện có 17/18 sở, ngành cấp tỉnh, 7/7 huyện, thành phố và 65/65 xã, phường thị trấn thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Việc triển khai các hệ thống Một cửa hiện đại giúp cho các cá nhân, tổ chức đến cơ quan quản lý nhà nước liên hệ thực hiện TTHC được thuận lợi hơn, dễ dàng tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ; giúp cơ quan, đơn vị quản lý điều hành hoạt động một cách khoa học, tăng cường tính công khai, minh bạch, hạn chế những hành vi nhũng nhiễu của cán bộ thực hiện TTHC, tạo được sự hài lòng của công dân, tổ chức khi đến giao dịch… Từ đó, xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thân thiện, thông thoáng và minh bạch; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn được UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện sinh động, sáng tạo phù hợp với thực tiễn từng địa phương. Các chính sách giảm nghèo, đền bù giải phóng mặt bằng, các thủ tục hành chính, các khoản đóng góp của Nhân dân, các khoản phí, lệ phí, việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh; vốn vay phát triển sản xuất, phương thức và kết quả bình xét hộ nghèo... đều được thực hiện thông qua hệ thống truyền thanh hay các cuộc họp thôn, tổ dân phố, niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng được triển khai hiệu quả.
Đồng chí Châu Thị Thanh Hà, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Để thực hiện hiệu quả chủ đề “Năm DVCQ”, vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác DVCQ trên địa bàn tỉnh năm 2018, nhằm thúc đẩy, tăng cường hơn nữa công tác DVCQ, góp phần xây dựng chính quyền liêm khiết, kiến tạo, phục vụ nhân dân. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện các nội dung tại Kế hoạch số 833/KH-UBND ngày 15-3-2017 của UBND tỉnh triển khai thực hiện công tác DVCQ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020; gắn thực hiện công tác dân vận với đẩy mạnh thực hiện Chương trình cải cách hành chính; gắn thực hiện công tác dân vận với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác dân vận đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong thực hiện công tác dân vận…
Để thực hiện hiệu quả công tác DVCQ, việc đầu tiên phải quan tâm là cần chú ý đến công tác cán bộ. Sâu sát cơ sở vẫn là nhiệm vụ đầu tiên của người đứng đầu bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước, điều này đòi hỏi cán bộ nói chung, công chức, viên chức nói riêng không chỉ giỏi về chuyên môn mà phải biết làm công tác vận động, biết đối thoại với nhân dân, nắm thông tin, giải quyết các yêu cầu, bức xúc, các kiến nghị của người dân, tạo niềm tin cho nhân dân. Đi liền với đó là thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt việc tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, vì đây đang là vấn đề nóng trong xã hội cần giải quyết.
Thế Quang