Tại buổi thảo luận, đa số đại biểu cho rằng việc ban hành Luật Đo đạc và Bản đồ là cần thiết, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước với hoạt động đo đạc và bản đồ. Đặc biệt việc ban hành luật có những điểm đột phá về xã hội hóa trong đo đạc và bản đồ, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia…. Các đại biểu cũng góp ý một số nội dung như: Nên sửa đổi, xem xét lại một số từ ngữ chuyên ngành; trong xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ cần cân nhắc nội dung quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ tại Việt Nam, bảo đảm chủ quyền an ninh quốc gia; làm rõ, cụ thể quy định thanh tra, xử phạt; thủ tục cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ….
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, UVTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng ĐBQH đơn vị tỉnh
phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ. Ảnh: T.P
Lấy ý kiến góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục Thể thao, đa số đại biểu cho rằng, Dự án luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề mới, khắc phục những vướng mắc, hạn chế của Luật Thể dục Thể thao, tạo điều kiện cho thể dục thể thao phát triển. Các đại biểu cũng góp ý một số nội dung: Tại khoản 1, Điều 32 cần quy định chi tiết về việc chuyển nhượng vận động viên có thành tích cao; khoản 1, khoản 5, Điều 21 và khoản 6, Điều 22 về phát triển môn bơi lội là phù hợp với thực tế nên quy định theo hướng mở; cần bỏ quy định về đặt cược thể thao; một số quy định về giải thi đấu thể thao, thẩm quyền quyết định tổ chức trình tự thủ tục đăng cai tổ chức… còn chưa phù hợp với thực tiễn…
Thay mặt Đoàn ĐBQH, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, ghi nhận các ý kiến góp ý, tổng hợp báo cáo tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sắp tới.
► Trước đó, ngày 28-3, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, UVTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh chủ trì Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) có 9 chương, 72 điều quy định rõ về phạm vi điều chỉnh của luật; nguyên tắc giải quyết tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo; chấp hành quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo và cả những hành vi bị nghiêm cấm...
Tại buổi tiếp xúc, các đại biểu đã nhất trí với nội dung, bố cục của Dự thảo Luật và trao đổi, thảo luận, đóng góp một số ý kiến, tập trung các vấn đề như: Cơ chế bảo vệ người tố cáo và thân nhân người tố cáo; mở rộng thêm các hình thức tố cáo; trách nhiệm của người tố cáo; điều chỉnh một số nội dung trong Dự thảo Luật Tố cáo cho phù hợp với luật hiện hành…
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu; đồng thời tổng hợp để trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
T.Phương- T.Quang