Tham dự buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các cơ sở đào tạo báo chí, các nhà báo, phóng viên.
Tọa đàm là chương trình nằm trong chuối hoạt động của Hội báo toàn quốc năm 2018. Đây là cơ hội để các nhà quản lý báo chí, cơ quan báo chí, các nhà báo giao lưu, gặp gỡ, trao đổi thông tin về tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến nền báo chí nói chung và quá trình tác nghiệp của các nhà báo nói riêng.
Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Tọa đàm diễn ra trong không khí cởi mở, các ý kiến tham gia trao đổi đều xoay quanh các vấn đề thuận lợi và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với sự phát triển của báo chí Việt Nam hiện nay. Trong lĩnh vực báo chí truyền thông, cách mạng 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của các nhà báo trong tương lai.
Ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho rằng chủ đề của buổi tọa đàm rất thiết thực với những người làm báo. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ, hiện nay rất nhiều cơ quan báo chí của Việt Nam còn chưa đạt được tiêu chí về tòa soạn hội tụ, trong khi ở nhiều nơi trong khu vực và trên thế giới, nhiều tòa soạn đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết tin.
Dù công nghệ có phát triển đến đâu cũng chỉ là công cụ hỗ trợ con người theo những lập trình định sẵn. Một sản phẩm báo chí lại xuất phát từ tâm của người làm báo và được gửi gắm vào đó những sự thật và sự công bằng, vì thế dù công nghệ có phát triển đến đâu đi chăng nữa cũng không thể thay thế được con người nói chung và nhà báo nói riêng.
Theo báo Nhân Dân điện tử