Dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, gồm 7 chương 51 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và nguyên tắc, nội dung, biện pháp đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đối với dự thảo luật này, các đại biểu đề nghị đơn vị soạn thảo cần nghiên cứu kỹ nhằm tránh trùng lắp, chồng chéo nội dung với các luật khác có liên quan như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh Quốc gia…; phân chia nhiệm vụ rõ ràng giữa Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông; cần có quy định rõ ràng về các tài khoản tiền điện tử, tài khoản tiền ảo để có chế tài xử lý phù hợp; một số ý kiến đề nghị nên hợp nhất Luật An toàn thông mạng và Luật An ninh mạng để tránh tình trạng chồng chéo về văn bản pháp luật…
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, UVTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng ĐBQH đơn vị tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Cùng ngày, đoàn ĐBQH tỉnh lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi), trình tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) gồm 7 chương, 42 điều quy định nguyên tắc, chính sách, hoat động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng. Các đại biểu cơ bản đánh giá cao ý nghĩa, tính cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung luật trong đời sống xã hội, đồng thời tập trung thảo luận một số nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh của luật; quy định về tuyên bố, công bố, bãi bỏ tình trạng chiến tranh; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức về quốc phòng. Cần điều chỉnh các điều luật sao cho phù hợp với Luật Dân quân tự vệ và Luật Giáo dục quốc phòng; bổ sung về việc Luật hóa Ngày hội Quốc phòng toàn dân vào Dự thảo Luật; quy định rõ hơn về giới nghiêm; bổ sung vai trò của địa phương trong thực hiện công nghiệp quốc phòng hoặc kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng…
Trần Phương