Công nhân thi công cải tạo lưới điện
Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An, dự kiến sản lượng điện năm 2011 của toàn hệ thống đạt 117,6 tỷ kWh, trong đó sản lượng điện 6 tháng mùa khô 2011 dự kiến đạt 56,14 tỷ kWh, tăng 18,3% (8,69 tỷ kWh) so với cùng kỳ năm 2010. Các tính toán cho thấy, phụ tải điện sẽ tiếp tục duy trì xu thế tăng trưởng cao, đặc biệt trong 6 tháng mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 6).
Trong khi đó, quá trình tích nước cuối năm tại các hồ thủy điện để chuẩn bị cho các tháng mùa khô 2011 gặp khó khăn do khô hạn tiếp tục kéo dài, nhiều hệ thống sông mất mùa lũ khiến lượng nước về các hồ thủy điện sụt giảm mạnh.
Vào thời điểm 1-1, mức nước các hồ thủy điện đều rất thấp, mức nước nhiều hồ thủy điện lớn như Hòa Bình, Trị An, Ialy, Hàm Thuận, Đại Ninh... thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ 2010 và so với mực nước đầy hồ. Tổng lượng nước thiếu hụt so với mực nước đầy hồ khoảng 12,9 tỷ m³ (tương đương 3 tỷ kWh điện). Đây là lượng nước thiếu hụt kỷ lục.
Ngoài ra, các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang còn phải thực hiện xả trên 2,7 tỷ m³ nước phục vụ đổ ải và gieo cấy vụ đông-xuân 2010 - 2011 cho 12 tỉnh đồng bằng và trung du Bắc bộ. Sau các đợt xả này, mức nước các hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang sẽ xuống rất thấp, rất gần mực nước chết.
Nguồn nước thủy điện cạn kiệt sớm ngay ở những ngày đầu mùa khô sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc huy động nguồn điện của toàn hệ thống trong mùa khô 2011 và dự báo sẽ gây khó khăn về việc cung ứng điện.
Nếu các nguồn nhiệt điện, tua bin khí tiếp tục vận hành không ổn định thì tình hình cung ứng điện các tháng mùa khô 2011 sẽ càng khó khăn hơn. Một vấn đề khác là sự thiếu hụt sản lượng thủy điện sẽ đặt sức ép lớn lên chi phí và giá thành sản xuất của EVN do lượng nhiệt điện dầu FO, DO phải huy động trong 6 tháng mùa khô tăng lên rất lớn (dự kiến khoảng 3,8 tỷ kWh).
Vì vậy, EVN kiến nghị sớm có những giải pháp quyết liệt để tháo gỡ vấn đề vốn lưu động cho việc huy động sản lượng nguồn nhiệt điện dầu này.
Để đối phó với tình trạng thiếu điện gay gắt sắp tới, EVN đang tích cực triển khai các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn trong cung ứng điện, trong đó đẩy nhanh tiến độ và vận hành ổn định các nhà máy mới, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than. Tiếp tục trưng dụng các tổ máy nhiệt điện than mới ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Cẩm Phả, Sơn Động trong thời gian chạy thử nghiệm và chờ cấp PAC. Tập trung cùng nhà thầu nhanh chóng giải quyết các sự cố nếu có.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện để đến tháng 6-2011 đưa vào vận hành 8 tổ máy/6 nhà máy điện với tổng công suất 1.058 MW. Bố trí hợp lý lịch bảo dưỡng các tổ máy hiện có để đảm bảo độ sẵn sàng cao hơn trong các tháng mùa khô 2011. Tiếp tục đàm phán nhập khẩu điện theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương; thực hiện các biện pháp giảm tổn thất điện năng trong truyền tải và phân phối điện, nhất là giảm tổn thất điện năng trong lưới điện hạ áp nông thôn mới tiếp nhận.
Bên cạnh đó, tăng cường thông tin về tình hình khô hạn, mực nước các hồ chứa trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu, chia sẻ và nâng cao ý thức tiết kiệm điện, tiết kiệm nước. Thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản cung ứng điện cho mùa khô và cả năm 2011, báo cáo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để UBND tỉnh, thành phố có kế hoạch chỉ đạo chủ động, đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu dân sinh và sản xuất trên địa bàn.
Ông Đặng Hoàng An cũng cho hay, qua kiểm tra của Bộ Công thương, Cục Điều tiết Điện lực và EVN, những vấn đề gây bức xúc đối với dư luận trong năm 2010 sẽ được xem xét, giải quyết, như: Thời gian cắt điện, trả điện chưa đúng thông báo; lịch cắt điện chưa hợp lý; thông báo trước cho khách hàng không đủ 5 ngày; kịp thời giải quyết kiến nghị, khiếu nại của khách hàng...
Nguồn Báo SGGP