Nhật ký Hải trình “Trường Sa thân yêu”

Lính trẻ quê hương Ninh Thuận trên huyện đảo Trường Sa

(NTO) Trong hải trình trên chuyến tàu KN 490 đến các đảo phía Nam của quần đảo Trường Sa lần này, chúng tôi vô cùng xúc động và tự hào khi được gặp những người con quê hương Ninh Thuận đang góp sức trẻ, tuổi thanh xuân của mình dựng xây và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Sau một ngày tàu nhổ neo chào Cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), chúng tôi ngồi trên bong tàu để ngắm biển quê hương. Hòa cùng câu chuyện của những người lính trẻ ra làm nhiệm vụ trên đảo xa, chúng tôi chợt nhận ra những người lính quê Ninh Thuận trong giọng nói quen thuộc. Giữa sóng gió biển khơi, lại gặp được người cùng quê, ai cũng vui và nhanh chóng trở nên gần gũi. Chiến sỹ trẻ Lưu Hiếu Khánh (quê ở Vụ Bổn, xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam) trong bộ áo lính hải quân, dáng người nhỏ nhưng rất rắn rỏi, vui vẻ cho biết: Trên tàu này, có 12 người quê Ninh Thuận, trong tổng số hơn 30 người con của tỉnh đi ra đảo làm nhiệm vụ lần này. Qua giới thiệu, chúng tôi đã gặp chiến sĩ trẻ Nguyễn Thanh Quang (ở Lương Cách, Hộ Hải, Ninh Hải) ra nhận nhiệm vụ tại đảo đá Tây A, chiến sỹ Dương Văn Minh (ở thôn Khánh Tân, Nhơn Hải, Ninh Hải) được biên chế về đảo đá Tây B. Có 5 chiến sỹ gồm: Lưu Hiếu Khánh, Hồ Công Trình (ở thôn Đá Bắn, xã Hộ Hải), Nguyễn Đình Kỷ (xã Tân Hải, Ninh Hải) Đạo Đại Duy Bảo (xã Xuân Hải, Ninh Hải) và Lê Văn Dũng (ở phường Mỹ Đông, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) ra nhận nhiệm vụ công tác tại đảo Trường Sa Đông. Phần đông còn lại như chiến sỹ Huỳnh Văn Hận, Nguyễn Ngọc Nhân, Võ Minh Phong, Bạch Ngọc Thanh Đông, Vạn Ngọc Thổ… những người quê Ninh Thuận ra nhận nhiệm vụ trên đảo Trường Sa. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng ai cũng rạng ngời niềm vui, tự tin khi nhận nhiệm vụ ra bảo vệ đảo. Chiến sỹ Lưu Hiếu Khách cho biết thêm: Nhà em có 7 anh em, bố và mẹ làm nông nên còn vất vả. Học xong phổ thông, em vào làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh, đầu năm 2017 nhận được giấy gọi nhập ngũ lại được làm lính hải quân nên em rất vui. Trước đây, em chỉ biết Trường Sa qua báo, đài và gần đây được người anh bà con ở cùng làng đi lính Trường Sa về kể chuyện, nhưng trong lòng luôn ước ao được một lần ra đảo. Lần này, được cùng đồng đội, có cả những người cùng quê, nhập ngũ cùng ngày ra bảo vệ đảo Trường Sa Đông trong lòng em rất háo hức, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chiến sĩ trẻ Nguyễn Thanh Quang (xã Hộ Hải, Ninh Hải) cùng đồng đội vận chuyển hàng Tết vào đảo Đá Tây A.

Cũng vui vẻ, lạc quan và rất mạnh mẽ, chiến sĩ trẻ Trương Văn Dũng (ở khu phố 4, phường Mỹ Đông, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) tâm sự: Em có anh trai từng làm lính đảo về kể chuyện Trường Sa rất thú vị, nên lần này được tiếp bước anh ra đảo, em cảm thấy rất vui. Tuy ở xa đất liền, xa gia đình, người yêu nhưng em đã xác định và coi đây là môi trường tốt để rèn luyện mình thêm trưởng thành. Tại làng biển Đông Hải nơi gia đình em ở, bà con vẫn thường đi biển, nên em mong muốn, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về sẽ góp sức mình ra đánh bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa, đem những sản vật quý từ biển về làm giàu thêm quê hương mình.

Đặt chân lên đảo Trường Sa, mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ nhưng những người lính là con em Ninh Thuận đã hòa mình cùng đồng đội trong môi trường kỷ luật, tập thể, cùng xông xáo, vật lộn sóng gió, đưa hàng Tết xuống xuồng vào đảo an toàn. Mặc dù, sau cơn say sóng và hải trình dài chưa hết mệt, nhưng các chiến sĩ đã lập tức nhận nhiệm vụ, tham gia các hoạt động trên đảo. Trong số những người lính trẻ cùng ra đảo lần này, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với người lính trẻ Nguyễn Thanh Quang (ở Lương Cách, xã Hộ Hải, Ninh Hải) ra nhận công tác tại đảo Đá Tây A. Với ánh mắt đầy tinh nghịch, ẩn sâu cả cá tính và sự thẳng thắn, Thanh vui vẻ: Vào lính, em đã được rèn tính kỷ luật, không ương bướng, lỳ lợm và quậy phá như trước nữa. Sống và làm việc trong môi trường quân ngũ phải chuẩn mực và trách nhiệm hơn với bản thân mình. Thấy tôi có vẻ chưa tin, Quang quả quyết: Anh cứ yên tâm ngày hoàn thành nhiệm vụ em sẽ về quê tìm anh để khẳng định rằng em sẽ làm được. Lúc chia tay, Quang còn đổi cho tôi đôi dép rọ có ghi tên mình như một kỷ niệm và là vật để làm tin.

Hôm xuống xuồng vào đảo đá Tây B tôi được một chiến sĩ trẻ, vóc dáng rắn rỏi, nước da đen, nụ cười hiền tên là Phan Hữu Nhớ (ở khu phố Khánh Giang, thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải) người đã nhiệt tình hỗ trợ chúng tôi xuống xuồng vào đảo an toàn. Qua tâm sự, Nhớ nhận ra người cùng quê và trải lòng chia sẻ: Ở đảo chìm này, anh em chiến sỹ sống gần gũi nhau như người một nhà, chuyện lớn chuyện nhỏ đều chia sẻ cùng nhau. Trong khó khăn, thiếu thốn tình yêu thương lại càng thêm gắn bó. Biết có đoàn từ đất liền ra, anh em trên đảo cứ háo hức chờ…

Nhớ cho biết thêm: Sau gần một năm làm nhiệm vụ trên đảo em đã học được nhiều điều từ cách sống, sinh hoạt, nhất là biết nấu ăn, trồng và chăm sóc rau xanh, đánh bắt cá, làm giá đỗ, tăng gia sản xuất; đặc biệt là biết tiết kiệm và xây dựng kế hoạch cho cuộc sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn. Điều quý giá nhất là em đã trưởng thành hơn, không sợ khó, sợ khổ và có quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ cũng như những dự định của mình trong cuộc sống sau này.

Từng làm Bí thư chi đoàn khu phố Khánh Giang, được học tập rèn luyện trong môi trường quân đội, ra đảo làm nhiệm vụ quản lý quân nhu nên lần này hoàn thành nghĩa vụ trở về, Phan Hữu Nhớ có dự định sẽ học thêm kiến thức về kinh tế để tìm một việc làm phù hợp, góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận. “Người yêu em đang học Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh vẫn chung thủy đợi em về. Chúng em sẽ cưới nhau sau khi ổn định công việc…”- Phan Hữu Nhớ, chia sẻ.

Qua câu chuyện kể thú vị chứa đựng cả sự tư tin và tinh thần quyết tâm của những người lính trẻ, trải qua môi trường rèn luyện và thử thách khắc nghiệt ở Trường Sa, chúng tôi càng cảm phục sự sự hy sinh, tinh thần vượt khó của những người chiến sĩ hải quân… Giữa đảo xa, có những người lính trẻ Ninh Thuận đang ngày đêm vững tay súng bảo vệ biển trời, quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thật vinh dự và tự hào!