Gặp ông vào một ngày cuối năm, ở tuổi 84, ông vẫn còn nặng lòng với niềm đam mê nghiên cứu, sưu tầm và truyền dạy văn hóa các dân tộc. Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Quảng Nam-vùng đất giàu bản sắc văn hóa đã nuôi dưỡng niềm đam mê và đã đưa ông trở thành nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật dân gian về sau này. Ông kể, năm 1992, sau khi tỉnh Ninh Thuận tái lập, ông về làm Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Ninh Thuận, cũng chính từ đây đã “tiếp lửa” thêm cho ông đi sâu vào con đường nghiên cứu văn hóa sau này. Trong căn nhà nhỏ của mình, ông trầm ngâm hồi tưởng về quá khứ, về những tháng ngày rong ruổi khắp các nẻo đường quê, đến những thôn làng xa xôi, hẻo lánh nhất của tỉnh Ninh Thuận để tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm và truyền dạy văn hóa các dân tộc. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp nghiên cứu của mình đó là ông đã phát hiện và sưu tầm được bộ Sử thi của đồng bào dân tộc Raglai. Đây là kho truyện lịch sử đồ sộ kể lại quá trình đấu tranh của đồng bào dân tộc Raglai với thiên nhiên, chống chọi với cái xấu để tồn tại và phát triển, trong đó có những anh hùng Raglai xuất hiện như một vị thần mang đến sức mạnh để đồng bào vượt qua thử thách, để tồn tại và phát triển đến ngày nay. Nhưng để có được bộ sử thi đó là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực không biết mệt mỏi của ông. “Ngày đó, trong một lần đến thôn Ma Oai, xã Phước Thắng (Bác Ái), tôi vô tình nghe một bà lão hát bằng tiếng dân tộc một giai điệu gì đó nhưng mình không hiểu, sau đó tôi có trò chuyện và nhờ người dịch hộ một vài câu thì mới phát hiện ra rằng đây chính là sử thi. Tiếp đó, tôi phải ăn ở tại đây cả tháng trời để thu âm bà cụ hát sử thi, vừa thu, vừa nhờ người dịch và ghi chép. Bộ sử thi dày trên 2.000 trang cùng 5 bộ sử thi khác đã được biên dịch, là tài sản quý bổ sung vào kho tàng sử thi Tây Nguyên”-ông Nguyễn Hải Liên tâm sự.
Không riêng bộ Sử thi của dân tộc Raglai, ông còn là người phát hiện và phục dựng lại trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai và đến nay mỗi làng đều có trang phục lưu giữ riêng. Hay như nhạc cụ Mã la đã được ông truyền dạy ngay tại các gia tộc như Chamaléa, Katơ, Pinăng, cùng với đó ông cũng đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu về những ngày lễ quan trọng của người Raglai như lễ bỏ mả, lễ ăn mừng lúa mới… và ông đã khám phá ra nhiều nét đặc sắc cũng như ý nghĩa của các lễ hội này. Có thể nói rằng, những người Raglai trong tỉnh đã quá quen thuộc với hình ảnh của ông và coi ông như người của thôn làng, đó cũng chính là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất đối với ông trong suốt những ngày tháng lặn lội khắp mọi vùng đất để thỏa lòng đam mê của mình.
Không gì văn hóa của người Raglai, ông còn đi sâu tìm hiểu những nét đặc sắc của văn hóa, nghệ thuật dân gian Chăm; truyền dạy những nhạc cụ truyền thống của người Chăm cho trẻ em như: Kèn Saranai, trống Ghi-năng. Theo ông Nguyễn Cư, Nghệ nhân truyền dạy nhạc cụ dân gian Chăm thì ông Nguyễn Hải Liên là người rất tâm huyết, chịu khó nghiên cứu. Ông cùng với những nghệ nhân người Chăm trực tiếp truyền dạy lại cho thiếu nhi tại một số làng, xã về cách chơi, cách sử dụng cũng như về “cái hồn” của các nhạc cụ, từ đó đã bảo tồn và phát huy văn hóa, nghệ thuật của người Chăm.
Có thể nói, tên Nguyễn Hải Liên đã gắn liền với văn hóa các dân tộc của Ninh Thuận. Ông chính là tác giả của 12 công trình nghiên cứu có giá trị và ý nghĩa về văn hóa Chăm và Raglai ở Ninh Thuận và một số tỉnh lân cận và là người trực tiếp truyền dạy cho hơn 200 nghệ nhân đồng bào Chăm và Raglai ở Ninh Thuận, Khánh Hòa mà ông đã tích cóp giữ lại là “báu vật” trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung, văn hóa Chăm nói riêng.
Ông sinh ra và lớn lên nơi vùng quê biển, nên trước sự mai một về văn hóa vùng dân cư biển Ninh Thuận nói riêng, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ nói chung đã làm cho ông trăn trở. Trong số những làng biển ở Ninh Thuận, làng biển Sơn Hải thuộc xã Phước Dinh (Thuận Nam) là địa phương còn lưu giữ đậm nét về văn hóa biển. Tuy nhiên, qua thời gian, nhiều lễ hội miền biển đã mai một dần. Những người cao tuổi trong làng lần lượt ra đi khi thế hệ sau vẫn chưa kịp tường tận những tinh túy của văn hóa biển mà cha ông để lại. Đầu năm 2012, ông Nguyễn Hải Liên lặn lội ra làng chài Từ Nham thuộc thị trấn Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), nơi đây là cội nguồn của hơn 85% cư dân Sơn Hải để tìm hiểu các nghi thức cúng biển, cách tổ chức các trò chơi dân gian để phục dựng lại ở làng biển Sơn Hải, xã Phước Dinh (Thuận Nam) và các làng biển khác trong tỉnh. Các phong tục tập quán ở làng biển được phục dựng, người dân vùng biển càng hiểu hơn nguồn cội của mình, văn hóa biển dần hiện ra được thể hiện ngày càng rõ trong các lễ hội ở vùng biển, tiêu biểu như trò chơi bài chòi Xuân, những điệu hát ru, hò bả trạo. Không chỉ sưu tầm hướng dẫn cho người dân vùng biển, ông còn ghi chép cẩn thận những tài liệu về văn hóa biển, nhất là văn hóa biển miền Trung. Sự nỗ lực của ông đã cho ra đời một tập sách về “Nét độc đáo của văn hóa làng chài Sơn Hải” với trên 300 trang sách được chuyển đến Hội Văn hóa Dân gian Việt Nam để xuất bản.
“Trong xã hội đang biến đổi rất nhanh, nhiều nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số đang dần bị mai một, việc có những công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian là hết sức đáng quý. Tôi ước gì mình có nhiều thời gian hơn để có thể làm được nhiều hơn. Nhìn những nghệ nhân, già làng ngày càng “đi xa” mang theo nhiều kiến thức về văn hóa truyền thống mà không khỏi tiếc nuối”- ông Nguyễn Hải Liên bày tỏ.
Ở cái tuổi “gần đất xa trời” lại mang trong mình bệnh tật hiểm nghèo nhưng chưa khi nào người ta thấy ông có ý định dừng công việc nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, nghệ thuật dân gian. Ở ông luôn cháy lên ngọn lửa đam mê, nặng lòng với những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời ông đó là được ăn, được ở và làm việc cùng với đồng bào các dân tộc trong tỉnh và được dân làng coi như người trong gia đình. Cùng với đó những cuốn tài liệu, những tập sách về văn hóa, nghệ thuật dân gian của ông đã góp phần làm phong phú hơn kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Thế Quang