Không chỉ là nữ CCB, huyện miền núi Bác Ái được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2011-2016 mà đã trên 10 năm nay, bà Chamaléa Thị Tiêu, Chi hội trưởng Hội CCB thôn Suối Khô, xã Phước Chính luôn thể hiện tinh thần, trách nhiệm trong công tác Hội đã duy trì chế độ sinh hoạt của Chi hội đúng quy định, các chỉ tiêu đều hoàn thành và vượt. Vì vậy, hàng năm Chi hội luôn được Hội cấp trên bình chọn, xếp loại “Vững mạnh xuất sắc”. Bà Tiêu còn quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn của từng hội viên. Mùa Xuân này, chúng tôi được Hội CCB tỉnh giới thiệu về tấm gương điển hình là bà Tiêu. Bà Tiêu tâm sự: Điều kiện kinh tế gia đình khá, nên tôi đã giúp cho 5 gia đình hội viên CCB nhận nuôi 13 con bò theo phương thức nuôi rẽ. Đó cũng là cách làm mà tôi muốn cái nghèo, cái khổ đừng bám lấy cuộc sống của bà con mình nữa”. Qua trò chuyện, chúng tôi còn biết đến, bà Tiêu là người tích cực tham gia công tác hoà giải, mâu thuẫn tranh chấp trong dân cư, cũng chính vì thế mà bà được Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Bác Ái chọn làm người uy tín trong xã để làm nòng cốt trong các hoạt động và phong trào thi đua yêu nước của địa phương.
Bà Chamaléa Thị Tiêu, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Suối Khô,
xã Phước Chính (Bác Ái), nâng cao thu nhập gia đình từ cây keo lai.
Gác câu chuyện của bà Tiêu, quay về thành phố, chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Văn Thành, Chi hội trưởng Chi hội CCB khu phố 4, phường Văn Hải (T.p Phan Rang-Tháp Chàm). Trên 20 năm làm công tác của Chi hội, ông Thành luôn gắn bó, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho hội viên, ông được hội viên, bà con con biết đến là người CCB gương mẫu đi đầu trong tiếp thu khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả và cho thu nhập cao. Năm 1985, từ chiến trường Campuchia trở về, với 1 sào đất cha mẹ cho để lại làm ăn, ông cố gắng cải tạo và từng bước lập mô hình vườn-ao-chuồng (V.A.C). Nhờ chăm chỉ, kiên trì, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, đồng chí, đồng đội, cùng với chắt chiu tiết kiệm, nên anh đã sang nhượng thêm diện tích sản xuất trên 1 ha. Diện tích đất tăng lên, anh đào trên 2 sào ao thả cá trê, cá tràu; trồng trên 3 sào rau thơm, ớt; 3,5 sào táo; diện tích còn lại anh trồng cỏ nuôi10 con bò cái sinh sản, gần 50 con dê và trồng xen cây dừa. Ông bộc bạch: “Làm nông khổ lắm, chủ yếu phải dựa vào thời tiết. Diện tích đất canh tác gia đình có, cộng với việc tìm hiểu về thổ nhưỡng, khí hậu nên tôi trồng các loại cây và vật nuôi thích hợp với vùng đất. Đó là cách để góp phần tăng thu nhập cho gia đình”. Ngoài ra, chúng tôi được biết, hàng tháng, ông Thành tập hợp anh em trong Chi hội tổ chức sinh hoạt, không chỉ xây dựng công tác Chi hội ngày càng vững mạnh mà ông còn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm nông để cho các hội viên học hỏi và giúp đỡ con giống, cây trồng cho các hội viên gặp khó khăn trong sản xuất.
Bệnh binh Võ Văn Vũ, áp dụng mô hình sinh học để chăn nuôi heo, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi tìm đến CCB điển hình Nguyễn Báu, Chi hội trưởng Hội CCB thôn Lạc Tân 2, xã Cà Ná (Thuận Nam). Thời trai trẻ, ông hăng hái lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Năm 1989, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, ông Báu đi bạn cho các chủ thuyền đánh bắt hải sản. Nhìn thấy lợi thế của địa phương, có thể phát triển nghề làm nước mắm truyền thống, nên vợ chồng ông tích luỹ vốn liếng quyết tâm làm nước mắm… Đầu xuân nhắc lại chuyện khởi nghiệp của gia đình, ông Báu vui vẻ cho chúng tôi biết: Thoạt đầu, gia đình chỉ muối 5-10 tấn cá, đến nay số lượng cá muối đã tăng lên 40-50 tấn cá/năm. Hơn 25 năm gắn bó với nghề, đã để lại cho tôi nhiều kinh nghiệm trong nghề làm nước mắm truyền thống. Giờ, thương hiệu nước mắm Huy Hoàng của gia đình đã đến với người tiêu dùng ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên và từ đó cho lợi nhuận hàng năm 300-400 triệu đồng. “Trong thời gian tới, tôi sẽ đầu tư để giữ vững chất lượng và thương hiệu nước mắm cá cơm Cà Ná, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, vận động hội viên đoàn kết, thực hiện tốt phong trào thi đua “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Đó là cách mà CCB góp phần xây dựng cho địa phương đạt và giữ vững tiêu chí chuẩn nông thôn mới”. -Ông Nguyễn Báu, cho biết thêm. Không dừng lại ở việc làm giàu cho bản thân mà gia đình ông Báu còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động có thu nhập 3,5-4 triệu đồng/tháng. Nghĩa tình với đồng chí, đồng đội, hằng năm ông còn tình nguyện gửi tặng nước mắm đến những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở huyện đảo Trường Sa và các gia đình nghèo trên địa bàn tỉnh. Với những kết quả trên, ông Báu vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2011-2016.
Có thể nói, chính truyền thống vẻ vang, phẩm chất sáng ngời của “Bộ đội Cụ Hồ” đã giúp các CCB có sức mạnh để tiếp tục đóng góp, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, trở thành những tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ noi theo.
Phan Hiếu