Năm học 1975-1976, năm học đầu tiên sau ngày giải phóng miền Nam, Ninh Thuận chỉ có khoảng 30 ngàn học sinh (HS) các cấp học phổ thông (TH, THCS, THPT), riêng hệ thống giáo dục mầm non (MN) hầu như không có. Thời điểm tái lập tỉnh (tháng 4-1992), hệ thống GD&ĐT tỉnh ta tuy có bước phát triển so với trước, song nhìn chung mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy-học vẫn còn thiếu; nhiều xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có trường lớp, tỷ lệ HS bỏ học còn cao. Các mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; giáo dục ngoài công lập (NCL); giáo dục chuyên biệt… cũng chưa có.
Được sự quan tâm, chăm lo của tỉnh, đến nay, ngành GD&ĐT đã có bước phát triển vượt bậc. Mạng lưới, quy mô trường, lớp ngày càng mở rộng, phủ kín từ đồng bằng đến vùng sâu, vùng xa. Theo đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT, tính đến năm học 2017-2018, tỉnh ta có hơn 10.350 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm nhận giảng dạy cho hơn 132.000 HS thuộc 327 cơ sở giáo dục, bao gồm 91 trường MN, 236 trường phổ thông (so với năm học 1991-1992, số cơ sở giáo dục tăng 1,6 lần, số HS tăng 1,8 lần). Toàn tỉnh có 1 trường THPT chuyên, 5 trường phổ thông dân tộc nội trú, 11 trường phổ thông dân tộc bán trú, 1 Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập phục vụ HS khuyết tật. Đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành phát huy truyền thống đoàn kết thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020; triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư mở rộng cơ sở trường lớp theo hướng hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của HS, sinh viên, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh nhà phát triển theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững.
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi hướng dẫn học sinh làm đề án tham gia
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2017-2018.
Không chỉ chuyển biến về quy mô, số lượng cơ sở giáo dục, những năm gần đây, chất lượng GD&ĐT cũng được nâng lên, tỷ lệ HS khá, giỏi các cấp học đều tăng, tình trạng lưu ban, bỏ học giảm. Giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi, HS khuyết tật được quan tâm triển khai và mang lại nhiều kết quả khả quan. Năm học vừa qua, toàn tỉnh có 178 HS đoạt giải Kỳ thi chọn HS giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh; 7 HS đoạt giải Kỳ thi giải Toán trên máy tính cầm tay cấp quốc gia; cuộc thi “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho HS trung học” cấp quốc gia có 17 HS đoạt giải. Tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT hệ giáo dục THPT đạt 95,26%, tăng 3,32%; hệ GDTX đạt 58,07%, giảm 23,46% so với năm 2016… Kết quả học tập của các trường vùng dân tộc thiểu số và miền núi có chuyển biến tích cực, 100% HS cuối cấp THCS đủ điều kiện tuyển vào bậc THPT, riêng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh 3 năm học gần đây duy trì tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT đạt 100%. Đến nay, toàn tỉnh có 24 trường TH với gần 7.200 HS được học tiếng Chăm. Việc dạy và học tiếng Chăm là hoạt động ý nghĩa, góp phần bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa, tiếng nói, chữ viết của dân tộc Chăm trong dòng chảy văn hóa dân tộc.
Điểm nổi bật trong tiến trình phát triển của ngành GD&ĐT là việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để tổ chức trường lớp; trong đó nổi bật là sự hình thành và phát triển của các cơ sở giáo dục MN và phổ thông NCL. Tuy mới ra đời và phát triển những năm gần đây, song mô hình giáo dục NCL từ cấp MN đến THPT đã và đang góp phần xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia; đáp ứng nhu cầu học tập của HS, giảm tải áp lực cho các trường công lập; đồng thời nâng cao chất lượng dạy và học theo hướng hội nhập quốc tế. Đến nay, thông qua việc kêu gọi, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng trường lớp, đóng góp hỗ trợ giáo dục…, hệ thống trường lớp NCL trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện với 187 cơ sở giáo dục, bao gồm 185 trường, cơ sở nhóm, lớp MN, 1 trường TH và 1 trường THPT với trên 8.000 HS các cấp.
Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”. Ảnh: V.M
43 năm sau ngày thống nhất đất nước, sự nghiệp GD&ĐT tỉnh ta có bước phát triển mạnh mẽ, chất lượng và hiệu quả giáo dục ngày càng được nâng lên… Tuy nhiên, công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp còn hạn chế; cơ sở vật chất một số nơi xuống cấp, chưa đồng bộ, chưa phù hợp với quy định của Bộ GD&ĐT; công tác bố trí đội ngũ giáo viên, quản lý hoạt động dạy học còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra… Nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả mạng lưới trường, lớp học và phát huy năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên các cấp, ngày 10-10-2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1940/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh. Việc sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp và đội ngũ giáo viên là quyết định mang tính đột phá, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với ngành GD&ĐT; là điều kiện quan trọng giúp ngành nâng cao chất lượng dạy và học, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, thu hút tối đa HS trong độ tuổi đến trường, duy trì kết quả xóa mũ chữ và phổ cập giáo dục… đáp ứng mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.
Một mùa xuân nữa lại đến, không khí Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đã lan tỏa khắp mọi nơi. Ở các trường học, nhất là những trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dường như xuân về sớm hơn bởi nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn đã được các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm tặng những món quà ấm áp. Trong không khí xuân về, chúng tôi tin rằng, với sự quan tâm của tỉnh, ngành GD&ĐT sẽ gặt hái được nhiều thành công trong năm học 2017-2018 và những năm tiếp theo, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của HS, phụ huynh và nhân dân tỉnh nhà.
Lâm Anh