Căn cứ danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14-3-2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thì hiện trạng ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh ta nhiều nhất là trong lĩnh vực thủy sản, sản xuất tôm giống (272 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng và 213 cơ sở sản xuất giống tôm sú với năng lực sản xuất hàng năm khoảng 30 tỷ con) với công nghệ cao được ứng dụng là công nghệ sinh học, quy trình sản xuất giống nhân tạo đã được cải tiến nhiều từ khâu xử lý nước, lắng lọc, quy trình ương nuôi ấu trùng, thức ăn cho ấu trùng… nên năng suất, chất lượng đã được nâng lên so với trước đây. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất giống tôm tại Ninh Thuận vẫn còn bị động ở nhiều khâu sản xuất như: Tôm bố mẹ sạch bệnh, kháng bệnh, vấn đề an toàn sinh học, tỷ lệ sống ấu trùng thấp... nên hiệu quả chưa cao… Trong lĩnh vực cây trồng, tỉnh ta đã ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, nhà màng, nhà lưới... tiếp cận dần với công nghệ cao.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ triển khai ở thôn Tân Lập 2 (xã Lương Sơn, Ninh Sơn)
mở ra hướng mới trong sản xuất lúa bền vững. Ảnh: A.Tùng
Năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) theo Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, đó là tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch cụ thể hóa Nghị quyết và thông qua các nhiệm vụ KH&CN để tạo ra các mô hình mẫu về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, từ đó phối hợp với các ngành, địa phương chuyển giao, nhân rộng cho nhân dân, doanh nghiệp ứng dụng vào trong sản xuất.
Kết quả, ngành KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 315/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 2419/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU trong năm 2017; Quyết định số 1360/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 2121/QĐ-UBND phân công trách nhiệm giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ngành KH&CN đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị KH&CN triển khai 17 đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (cấp Nhà nước 5 đề tài, dự án, cấp tỉnh 12 đề tài, dự án) tập trung vào các nhiệm vụ như: Triển khai các mô hình tưới tiết kiệm ứng dụng công nghệ tưới phun mưa tầm thấp, phun mưa tầm cao, tưới nhỏ giọt cho cây nho, táo, măng tây, cỏ chăn nuôi; hướng dẫn cho các hộ dân sử dụng các thiết bị đo ẩm độ, nhiệt độ để quan trắc, dự báo chính xác nhu cầu nước cho cây trồng; mô hình nuôi trồng thủy sản có giá trị cao như hàu Thái Bình Dương, cá mú đen chấm đỏ; tách chiết một số chất sinh học có giá trị rong nâu Sargassum và chế biến nước uống hỗn hợp; sản xuất giá thể hữu cơ từ nguồn nguyên liệu phụ phẩm nông, lâm nghiệp; công nghệ nuôi cấy mô một số loài lan rừng đặc trưng, có tiềm năng của Vườn Quốc gia Núi Chúa, một số loài nấm linh chi (Ganoderma) của Vườn Quốc gia Phước Bình...
Anh Nguyễn Văn Quy, thôn Thành Sơn (xã Xuân Hải, Ninh Hải)
thực hiện mô hình sản xuất nho không hạt bằng công nghệ sinh học. Ảnh: T.Anh
Bên cạnh đó, ngành KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với ngành NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao như: Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và ban hành chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các ngành, địa phương đã tích cực hỗ trợ phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, bước đầu nâng cao giá trị sản xuất, chất lượng sản phẩm có khả năng cạnh tranh thị trường, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) chăm sóc cây măng tây xanh. Ảnh: V.M
Năm 2018, ngành KH&CN xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ Nghị quyết 05-NQ/TU vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Trong đó, tập trung triển khai có chiều sâu các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong canh tác 3 loại cây trồng có tiềm năng, lợi thế của tỉnh là nho, măng tây và rau để từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa nhân rộng vào sản xuất trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, ứng dụng công nghệ cao trên cây nho là công nghệ tưới nước tiết kiệm bán tự động, trồng trong nhà màng có điều khiển bán tự động tiểu khí hậu và sử dụng năng lượng điện mặt trời; trên cây măng tây áp dụng một số giống mới, canh tác theo quy trình ICM và công nghệ tưới nước tiết kiệm bán tự động; các mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ thủy canh kết hợp với điều khiển bán tự động tiểu khí hậu trong nhà màng. Đồng thời, tích cực kiến nghị Bộ KH&CN xem xét hỗ trợ, thẩm định Dự án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen để sản xuất giống tôm sú và giống tôm thẻ chân trắng sạch bệnh, kháng bệnh” của Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung dự kiến đầu tư tại Ninh Thuận, trong đó ứng dụng 10 quy trình công nghệ cao như: Công nghệ gen, quy trình sản xuất tôm giống bố mẹ, quy trình chọn lọc các chủng tảo, chọn lọc các vi sinh vật... dự kiến kinh phí 160 tỷ đồng, trong đó vốn doanh nghiệp 110 tỷ đồng và ngân sách Bộ KH&CN hỗ trợ 50 tỷ đồng.
Ngành KH&CN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành NN&PTNT, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ KH&CN phù hợp với nguồn lực đầu tư, khả năng sản xuất thực tế của doanh nghiệp, người dân nhằm từng bước đưa nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thực hiện rộng rãi trên địa bàn tỉnh.
Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ