(NTO) Tại Hội nghị trực tuyến ứng phó bão Tembin do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tại tổ chức ngày 23-12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, cho biết: Đây là cơn bão đặc biệt, khác thường, chưa từng có. Khi hình thành vào mùa Đông thì tốc độ di chuyển nhanh và hướng di chuyển liên tục thay đổi. Dự báo bão Tembin sẽ cập bờ Việt Nam ở khu vực phía Nam vào chiều tối 25 đến rạng sáng 26-12. Hoàng lưu bão rất rộng, kéo dài từ Quảng Nam đến Cà Mau. Vì thế, khi bão mạnh đổ bộ vào, kèm theo mưa lớn, sóng biển cao, lại trúng vào khu vực có quy mô kinh tế, đặc điểm dân cư hướng biển, nên mức độ tổn thất là vô cùng lớn”.
Trong khi đó, Theo Đài Khí tượng Thủy văn tinh, do ảnh hưởng của bão Tembin, vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 đến 48 giờ tới từ vĩ tuyến 6,5 đến 12,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 104,0 độ Kinh Đông (sẽ được điều chỉnh tại các bản tin tiếp theo của cơ quan dự báo). Từ đêm nay (24/12), khu vực tỉnh ta trên đất liền gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 10, cấp 11. Vùng biển có mưa rào và dông mạnh; gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 11, cấp 12; độ cao sóng: 5.0m đến 7.0m; biển động rất mạnh; cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão Tembin, ngay sau cuộc họp trực tuyến ngày 23-12, UBND tỉnh đã tổ chức họp nhanh chỉ đạo về ứng phó bão Tembin. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam quán triệt, chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cần tập trung cao độ với tinh thần chủ động, khẩn trương, quyết liệt triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống ứng phó cơn bão Tembin với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và Nhân dân. Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện 5382/CĐ-UBND về việc triển khai công tác ứng phó với cơn bão Tembin trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi và đánh bắt trên biển kể từ 16h ngày 23-12. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh là 2.651 chiếc/16.474 lao động, trong đó: số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 409 chiếc/3.269 lao động đã liên lạc được; Tàu thuyền neo đậu tại các bến, cảng của Ninh Thuận 2.242 chiếc/13.205 lao động. Tàu thuyền tỉnh ngoài neo đậu tại Ninh Thuận: 68 chiếc/240 lao động. Ngoài ra, các phương tiện thủy nội địa 4chiếc/9lao động, 16 chiếc/32 lao động tàu dịch vụ du lịch và 2 nhà hàng nổi/ 6 lao động cũng đã được thông báo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ động Biên phòng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các ngành, địa phương liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tìm mọi biện pháp thông báo cho chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; tăng cường lực lượng kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, khu vực neo đậu quanh các đảo để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho các công trình ven biển, tàu thuyền tại khu neo đậu, lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản có nguy cơ ảnh hưởng do nước dâng, triều cường và gió mạnh.
Các địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo ngay cho người dân về cơn bão, khả năng ảnh hưởng nguy hiểm bão, triều cường, ngập lụt, lũ quét… và xây dựng phương án sơ tán dân (trong đó, xác định cụ thể số hộ dân, số dân phải sơ tán, đảm bảo các nhu yếu phẩm và các điều kiện cần thiết để đảm bảo cuộc sống cho nhân dân trong thời gian sơ tán dân. Mọi công tác hoàn tất trước 8 giờ 30 phút ngày 25-12. Tổ chức kiểm tra thực tế tại các vùng xung yếu, trọng điểm nơi dự báo bão đổ vào, nguy cơ triều cường, lũ quét, lụt lội xảy ra. Khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát lượng, phương tiện, lực lượng để sẵn sàng ứng cứu với phương châm “4 tại chỗ”.
Các đơn vị quản lý hồ thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ để tính toán lưu lượng nước về hồ và căn cứ tình hình vùng hạ du để tiếp tục điều tiết và tích nước hợp lý vừa đảm bảo an toàn công trình vừa đủ nước phục vụ sản xuất, đồng thời hạn chế ngập lụt vùng hạ du. Thường xuyên báo cáo tình hình diễn biến các hồ chứa nước trên địa bàn về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài thông tin Duyên hải Phan Rang, các cơ quan thông tấn báo chí và các địa phương thường xuyên cập nhật về diễn biến của bão; tăng cường tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó.
Xuân Bính