Theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian gần đây, tại một số khu vực trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm xuất hiện nhiều người mắc bệnh và lây rất nhanh, nhất là người trong gia đình và học sinh học cùng lớp với nhau. Chị Trần T. Th. ở phường Thanh Sơn (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) cho biết: Thấy con gái út bị nổi mẩn ngứa, sốt nhẹ, mệt mỏi nên tôi đưa đi khám và phát hiện cháu bị bệnh thủy đậu. Ít ngày sau, bệnh lây sang cả gia đình và một số bạn học cùng lớp khiến các em phải nghỉ học để điều trị và cách ly với mọi người. Mặc dù biểu hiện tình trạng bệnh thủy đậu không nặng, nhưng gây nổi mẩn ngứa ngoài da rất khó chịu. Bệnh dễ lây nên phải nghỉ ở nhà, hạn chế tiếp xúc với mọi người. Các cháu nhỏ phải nghỉ học nhiều ngày trong thời gian thi học kỳ cũng làm phụ huynh thêm lo lắng.
Y, bác sĩ Trạm Y tế xã Tri Hải (Ninh Hải) khám bệnh cho trẻ em. Ảnh: Ngọc Diệp
Qua hệ thống giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận có 65 trường hợp mắc, tập trung ở Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, huyện Thuận Nam và Ninh Sơn. Tuy nhiên, số ca mắc bệnh này chỉ ghi nhận được trong các cơ sở y tế nhà nước, còn những trường hợp mắc bệnh ở ngoài cộng đồng hoặc chữa trị ở cơ sở y tế tư nhân vẫn chưa được cập nhật đầy đủ. Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền dịch. Bệnh lưu hành quanh năm, tuy nhiên thường xảy ra nhất trong mùa đông xuân. Đây là điều kiện thuận lợi để vi-rút thủy đậu phát triển và truyền bệnh cho người, nhất là ở trẻ em.
Ông Nguyễn Nhị Linh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Để phòng tránh bệnh này, người dân cần biết đây là bệnh lây truyền từ người qua người bằng 2 phương thức, đó là lây truyền gián tiếp thông qua nước bọt, dịch mũi họng của người mắc bệnh, khi nói, ho, hắt hơi văng bắn ra ngoài mang vi-rút thủy đậu, làm những người tiếp xúc gần hít phải sẽ mắc bệnh; phương thức lây truyền thứ hai đó là khi tiếp xúc với người bệnh, thông qua những nốt phỏng do dịch thủy đậu, làm người tiếp xúc gần có thể nhiễm vi-rút từ những nốt phỏng này. Để phòng ngừa chúng ta cần hạn chế tiếp xúc với những người bệnh. Người mắc bệnh phải được cách ly để không lây truyền sang người khác. Khi tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, chúng ta nên có khoảng cách. Mặt khác, nên duy trì thường xuyên việc rửa tay bằng xà phòng và vệ sinh cơ thể sạch sẽ để hạn chế các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh thủy đậu. Người mắc bệnh thủy đậu ngoài các triệu chứng như sốt, đau đầu, mỏi nhức cơ, trên da còn nổi lên những nốt phỏng chứa nước. Nốt phỏng này tương đương với hạt đậu xanh, bên trong có chứa dịch màu vàng đục, sau đó đóng vảy khô. Nếu chăm sóc không tốt, những nốt phỏng này bị nhiễm trùng có thể gây nên những vết sẹo xấu trên cơ thể, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nhất là ở vùng mặt vùng lộ ra bên ngoài.
Do đó, khi có dấu hiệu mắc, người bệnh nên đến cơ sở y tế để khám và được nhân viên y tế tư vấn cách phòng bệnh và chữa trị phù hợp, hạn chế lây cho người khác; không nên sử dụng các các loại lá cây theo truyền miệng để bôi, đắp lên vùng nốt phỏng thủy đậu, tránh biến chứng nặng. Khi có dấu hiệu nặng, cần đến các cơ sở y tế để điều trị sớm tránh để xảy ra biến chứng gây tình trạng viêm màng não do vi-rút thủy đậu.
Mai Phương