Cụ thể, 3 nhóm pháp lệnh được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh giao đạt và vượt kế hoạch; 5/7 nhóm chỉ tiêu định hướng của ngành hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển.
Lãnh đạo Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học huyện Bác Ái. Ảnh: N.A.T
Đồng chí Đặng Thị Phấn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Trong năm, tuy còn khó khăn nhiều mặt nhưng tỉnh ta vẫn luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách ASXH, phúc lợi xã hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: Giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, mở rộng các dịch vụ xã hội công cộng, tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách xã hội được tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản về văn hóa, y tế, giáo dục...
Nổi bật là công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, bước đầu đào tạo nghề đã gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và kết nối giải quyết việc làm; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực đưa giáo viên, học sinh, sinh viên đến doanh nghiệp để thực tập, nâng cao trình độ tay nghề, làm quen với tác phong lao động công nghiệp tại một số đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Mặt khác, để người lao động dễ dàng tiếp cận với các doanh nghiệp, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; tổ chức các sàn giao dịch việc làm, giúp đưa thông tin về cung lao động đến các đơn vị, doanh nghiệp cần tuyển lao động. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, trong năm, đã thực hiện đào tạo nghề nghiệp cho 9.175 người, đạt 106,12%; toàn tỉnh đã tạo mới việc làm cho 16.532 người, đạt 106,65%; lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 147 lao động, đạt 122,5%, tăng 42,72% so với cùng kỳ năm 2016.
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, năm 2017 thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, các chính sách đặc thù trên địa bàn huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; sử dụng kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đảm bảo hiệu quả, đúng mục tiêu. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2017 được phân bổ hơn 64,8 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã cấp 192.019 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống vùng khó khăn và người sống vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn với kinh phí 94,317 tỷ đồng. Cùng với đó, cấp vốn tín dụng ưu đãi cho 3.639 lượt hộ nghèo vay 90,26 tỷ đồng để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Tiếp tục hỗ trợ xây nhà ở cho 560 hộ nghèo, đến nay đã thực hiện 393 hộ với tổng số tiền 11,79 tỷ đồng. Hỗ trợ tiền điện 8,28 tỷ đồng cho 20.253 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh…
Công tác bảo trợ, cứu trợ xã hội tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời. Thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 19.841 đối tượng, ngân sách chi trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng gần 101 tỷ đồng; triển khai công tác cứu đói Tết Nguyên đán 2017 với trên 1.134 tấn gạo… Nhờ thực hiện tốt các chính sách ASXH trên địa bàn, nhất là việc hỗ trợ cho hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,18%; riêng huyện nghèo Bác Ái giảm 5,76%, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Bộ mặt nông thôn các xã nghèo được cải thiện rõ rệt; người nghèo được hỗ trợ cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, đời sống được nâng lên, ổn định cuộc sống, phát triển và góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.
Năm 2018, ngành LĐ-TB&XH đặt ra mục tiêu phấn đấu: Tạo việc làm mới 15.500 người, trong đó, số người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 120 người; tuyển mới dạy nghề 8.500 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56,08%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1-1,5%/năm theo chuẩn mới (riêng huyện nghèo Bác Ái giảm 4% trở lên); số người được tư vấn giới thiệu việc làm 5.000 người, trong đó số lao động được giải quyết việc làm là 1.000 người. 100% các đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Đồng chí Đặng Thị Phấn cho biết thêm: Để thực hiện được mục tiêu trên, ngành LĐ-TB&XH đã đề ra một số giải pháp trọng tâm: Bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ LĐ-TB&XH, ngành tiếp tục tập trung mọi nguồn lực triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội. Trong đó, chú trọng dạy nghề, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là tạo việc làm cho thanh niên; giữ vững và tăng thị phần ở các thị trường xuất khẩu lao động. Thực hiện các giải pháp mở rộng diện tham gia và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo theo hướng bền vững. Cùng với nguồn lực từng bước tăng lên và những nỗ lực trong tổ chức thực hiện, hệ thống ASXH và phúc lợi xã hội ngày càng được bảo đảm tốt hơn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và từng địa phương.
Xuân Bính