Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Để đảm bảo sự phát triển ổn định, thời gian qua, tỉnh đã tập trung các biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó công tác đào tạo nghề là một trong những giải pháp được đẩy mạnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 19 cơ sở dạy nghề, trong đó có 12 cơ sở công lập và 7 cơ sở ngoài công lập, bình quân đào tạo nghề cho khoảng 9.000 lao động/năm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo nghề tiếp tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng cả về quy mô, chất lượng và năng lực đào tạo. Đặc biệt, các cơ sở dạy nghề luôn chú trọng gắn việc đào tạo với giải quyết việc làm bằng cách liên kết với doanh nghiệp, ký hợp đồng cung ứng lao động (LĐ) với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Đào tạo nghề Điện tử công nghiệp tại Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận. Ảnh:V.M
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 9.175 LĐ, đạt 106,12% kế hoạch, tăng 1,62% so với cùng kỳ. Trong đó, trình độ trung cấp, cao đẳng nghề có 1.311 LĐ; trình độ sơ cấp nghề, dạy nghề dưới 3 tháng có 7.846 LĐ (trong đó đào tạo nghề cho LĐ nông thôn là 2.741 LĐ). Tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 54,28%, các ngành nghề đào tạo chủ yếu là điện công nghiệp, cơ khí, xây dựng… Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề còn đào tạo thêm một số nghề mà người LĐ có nhu cầu như: Nông nghiệp, chăn nuôi, thú y, lái ôtô, may mặc, du lịch và dịch vụ. Theo thống kê, có khoảng 80% số LĐ sau khi được đào tạo đã tìm được việc làm ổn định. Để đáp ứng nhu cầu học nghề của người LĐ và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, các cơ sở dạy nghề đã chủ động đào tạo nghề mới, mở rộng quy mô và nâng cao năng lực đào tạo nghề. Ngoài ra, để hạn chế tình trạng người LĐ sau khi đào tạo nghề không có việc làm hoặc học xong nhưng không làm nghề đã học, hằng năm Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan, địa phương, cơ sở đào tạo tổ chức rà soát lại danh mục đào tạo nghề cho phù hợp với yêu cầu xã hội và nhu cầu của người học. Bên cạnh đó, để từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển đội ngũ LĐ theo các ngành kinh tế mũi nhọn phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, công tác đào tạo nghề cho LĐ nông thôn cũng được chú trọng. Thông qua các chương trình đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, người LĐ đã áp dụng hiệu quả các kiến thức đã học vào sản xuất, chăn nuôi, canh tác và kinh doanh… tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng, tăng năng suất LĐ, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Đối với các nghề phi nông nghiệp thì các cơ sở đào tạo nghề tập trung đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, làng nghề, gia công theo sản phẩm… Riêng đối với các nghề nông nghiệp thì đào tạo theo Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đặc biệt là các lớp chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp.
Cùng với công tác đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm cũng được tỉnh quan tâm thực hiện hiệu quả, góp phần tích cực đảm bảo an sinh xã hội cũng như tăng trưởng kinh tế trên địa bàn. Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn góp phần tạo nhiều việc làm mới và chuyển dịch cơ cấu LĐ theo hướng tích cực, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Với cách làm này, cơ bản các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ổn định hoạt động, tạo điều kiện thu hút, giải quyết việc làm cho người LĐ. Trong năm, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 16.532 LĐ, đạt 106% kế hoạch, tăng 3,17% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, LĐ làm việc trong tỉnh là 5.323 LĐ, chiếm 31,19%; LĐ làm việc ngoài tỉnh là 11.062 LĐ, chiếm 66,91%; LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 147 LĐ, chiếm 0,89%. Mặt khác, để người LĐ có điều kiện dễ dàng tiếp cận với các doanh nghiệp, hằng năm Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người LĐ, tổ chức các sàn giao dịch giới thiệu việc làm, giúp đưa thông tin về LĐ đến với các đơn vị, doanh nghiệp cần tuyển LĐ. Trong năm qua, các sàn giao dịch trên địa bàn tỉnh đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 834 người, trong đó có 282 người tìm được việc làm.
Đồng chí Hà Anh Quang cho biết thêm: Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo nghề cần tập trung chuyển đổi chương trình đào tạo theo hướng giảm tải, tích hợp gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, nâng cao và khẳng định thương hiệu với người học và xã hội bằng sản phẩm đầu ra đáp ứng được yêu cầu và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp; đồng thời, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức để cung cấp cho người LĐ những thông tin cần thiết, cập nhật ngành nghề đào tạo, nhu cầu sử dụng, tuyển dụng LĐ trong và ngoài tỉnh, mở ra cho người LĐ thêm nhiều cơ hội giải quyết việc làm; đặc biệt sẽ tăng cường liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua nhiều hình thức hợp đồng liên kết đào tạo và tuyển dụng sau đào tạo.
Thế Quang