Điều rất trân trọng ở chị Xoa, chính là tính tự chủ, bởi trước đây dù trong hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, nhưng chưa bao giờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Thay vào đó, chị luôn tìm cách phấn đấu vươn lên làm giàu, tham gia đầy đủ các hoạt động của chính quyền và đoàn thể địa phương để học hỏi, tích lũy kiến thức cho bản thân. Chị Xoa chia sẻ: Ở thôn Tà Lú 1 còn rất nhiều hộ gia đình khó khăn, vì vậy, mình phải chủ động thoát khỏi đói nghèo. Phải luôn khao khát làm giàu bằng ý chí và sự cần cù của bản thân để cái đói nghèo không còn nữa.
Chị Kator Thị Xoa.
Sau khi lập gia đình, chị Xoa và chồng lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. Vì không có đất sản xuất, vợ chồng chị phải làm thuê để trang trải cuộc sống và cố gắng nuôi 3 người con, tiết kiệm, tích góp được vốn, sang nhượng được 2 sào đất rẫy để sản xuất. Khi có đất sản xuất, gia đình chị càng có động lực phát triển kinh tế gia đình. Chị cùng chồng cần cù khai hoang mở rộng diện tích đất và trồng luân phiên cây mì, đậu xanh, đến nay gia đình chị có hơn 1,4 ha đất rẫy rừng. Tuy có diện tích đất sản xuất, nhưng vì chưa chủ động được nguồn nước tưới, nên hiệu quả cây trồng chưa cao. Thấy cái khó như vậy, năm 2007, chị Xoa quyết định đầu tư thêm vào chăn nuôi và vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bác Ái mua 2 con bò sinh sản, sau 4 năm chăm chỉ phát triển chăn nuôi, nhờ vậy số lượng bò đã tăng lên 14 con. Từ nguồn lợi ổn định từ chăn nuôi và thu hoạch trồng cây mỳ, đậu xanh, mỗi năm gia đình chị thu nhập trên 100 triệu đồng. Kinh tế gia đình khấm khá, chị có điều kiện xây dựng được nhà khang trang và nuôi 3 người con ăn học, trong đó, con gái lớn đang theo học tại Học viện Hành chính quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Khi kinh tế gia đình đã ổn định, năm 2010, chị Xoa bắt đầu tham gia hoạt động đoàn thể, cùng với Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, vận động chị em thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền chống bạo hành gia đình, vận động học sinh đến lớp… Chị Xoa tâm sự: Mình quan niệm rằng, sống phải luôn chia sẻ và giúp đỡ mọi người, do đó khi thấy chị em còn cơ cực, mình mạnh dạn tham gia vào những việc làm cụ thể để giúp đỡ chị em. Đối với mình, đó là niềm vui.
Chị Chameléa Thị Nhung, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Đại cho biết: Chị Kator Thị Xoa là gương điển hình về sự cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, làm kinh tế giỏi, luôn nhiệt tình với mọi hoạt động của địa phương. Qua đó, chị đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của phụ nữ Raglai vùng cao.
Lê Thi