Tiến trình hòa bình Trung Đông bị thách thức

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Đô-nan Trăm) đã tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố này. Động thái này đã khiến cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại khi có thể là dấu chấm hết cho nỗ lực đạt được hòa bình giữa Israel và Palestine.

Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel

Ngày 6-12-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố này một khi công tác chuẩn bị hoàn tất.

Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết hiện là thời điểm thích hợp để chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ “bắt đầu triển khai mọi công tác chuẩn bị để chuyển Đại sứ quán Mỹ từ thành phố Tel Aviv tới Jerusalem”.

Tổng thống Trump cho rằng quyết định này sẽ có lợi nhất cho lợi ích của nước Mỹ, cũng như việc tìm kiếm hòa bình giữa Israel và Palestine. Theo Tổng thống Trump, kể từ khi Quốc hội Mỹ thông qua Luật Đại sứ quán Jerusalem vào năm 1995 tới nay, các chính quyền tiền nhiệm đã trì hoãn việc thực thi đạo luật này vì quan ngại sẽ gây phương hại cho nỗ lực đàm phán thỏa thuận hòa bình tại khu vực Trung Đông. Theo giới chức Nhà Trắng, quá trình chuẩn bị và chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem có thể sẽ được hoàn tất trong vòng 3 năm.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, cộng đồng quốc tế đã đưa ra những tiếng nói quan ngại và tiêu cực. Duy nhất chỉ có Israel là phản ứng tích cực đối với tuyên bố của Tổng thống Mỹ Trump.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu) đã lên tiếng hoan nghênh quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của Tổng thống Mỹ Trump là "mang tính lịch sử" và là "một quyết định công bằng và dũng cảm". Ông Netanyahu cũng cam kết không thay đổi hiện trạng tại các khu thánh địa tại thành phố vốn mang ý nghĩa tôn giáo linh thiêng đối với cả người Do Thái, Cơ đốc giáo và Hồi giáo.

Trong khi đó, lãnh đạo Palestines Mahmud Abbas (Ma-mút Áp-bát) gọi hành động của Washington là "tồi tệ và không thể chấp nhận được", và là một bước đi "phá hoại tất cả các nỗ lực hòa bình Trung Đông". Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat (Xa-ép Ê-rê-kát) nêu rõ quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của Tổng thống Mỹ Trump đã làm tiêu tan bất cứ hy vọng nào về giải pháp hai nhà nước đối với cuộc xung đột Israel - Palestine. Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine, hiện đang nắm quyền kiểm soát Dải Gaza, cảnh báo quyết định của ông Trump sẽ "mở ra cánh cửa địa ngục" đối với các lợi ích của Mỹ tại khu vực.

Thách thức đối với tiến trình hòa bình Trung Đông

Việc chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel về Jerusalem vốn là một trong những cam kết chính trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump. Nhưng hồi tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Trump đã ký một sắc lệnh tạm thời tiếp tục đặt đại sứ quán ở Tel Aviv, gác lại kế hoạch di dời thêm ít nhất 6 tháng nữa nhằm tránh gây thêm căng thẳng ở Trung Đông. Vậy nên, các chuyên gia phân tích nhận định, quyết định của Tổng thống Mỹ Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel luôn là tâm điểm chú ý của dư luận bởi bất cứ thay đổi nào với Jerusalem cũng sẽ tác động mạnh mẽ tới khu vực Trung Đông và các nước có đông người Hồi giáo khác. Việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem sẽ động chạm tới những vấn đề lịch sử, tôn giáo hết sức phức tạp. Đây sẽ là động thái “đổ thêm dầu” vào các cuộc xung đột, bạo lực cực đoan tại chảo lửa Trung Đông vốn luôn nóng bỏng với hàng loạt vấn đề mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo... Thậm chí khu vực có thể lại phải chứng kiến một cuộc nổi dậy nữa của người Palestine như đã từng xảy ra trong quá khứ.

Thực tế cho thấy, trải qua các chính quyền khác nhau ở Mỹ, vấn đề hòa bình Trung Đông luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Washington. Cho dù trong thời gian qua, mục tiêu này có phần bị xao nhãng do một loạt vấn đề đối nội và đối ngoại phức tạp khác cần ưu tiên, nhưng không thể phủ nhận, Mỹ là một trong những đối tác hàng đầu và tích cực trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine trong nhiều năm gần đây.

Mặc dù quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô chính thức của Israel đã giúp Tổng thống Mỹ Trump hiện thực hóa một trong những cam kết tranh cử quan trọng và động thái này cũng nhận được sự ủng hộ khá rộng rãi của các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, bước đi này được xem là sự đảo ngược so với chính sách mà Washington thực thi nhiều thập kỷ qua đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, đồng thời có nguy cơ gây bất ổn khu vực và cản trở giải pháp “hai nhà nước” giữa Israel và Palestine.

Lịch sử nhiều biến động

Jerusalem được biết đến là cội nguồn và thánh địa có ý nghĩa quan trọng của cả 3 tôn giáo là Cơ đốc giáo, Hồi giáo và Do Thái. Sự đan xen về lịch sử và tôn giáo tại vùng đất này càng khiến cho vấn đề chủ quyền tại đây thêm phức tạp.

Với người Palestine, Jerusalem được coi là trung tâm xã hội, chính trị, văn hoá, tôn giáo và kinh tế của mình. Còn với thế giới Arab, Jerusalem chính là trái tim. Thậm chí, thành phố này còn được xem là một biểu tượng quan trọng của khu vực và số phận của nó là chìa khóa cho bất kỳ nỗ lực nào dẫn tới một khu vực hòa bình và ổn định.

Kế hoạch phân chia của Liên hợp quốc soạn thảo năm 1947 đã coi Jerusalem là thành phố quốc tế. Nhưng cuộc chiến theo sau việc Israel tuyên bố độc lập một năm sau đó đã khiến Jerusalem bị chia rẽ.

Khi cuộc đối đầu kết thúc vào năm 1949, một đường biên giới từ sự kiện đình chiến đã chia Jerusalem làm hai nửa, phần phía Tây do Israel kiểm soát trong khi Jordan quản lý phần phía Đông. Đến cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, Israel chiếm Đông Jerusalem. Từ đó đến nay toàn bộ thành phố Jerusalem nằm dưới kiểm soát của Israel. Israel coi thành phố này là thủ đô không thể chia cắt của mình, trong khi người Palestine luôn coi Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.

Trong 850.000 cư dân sinh sống tại Jerusalem có 37% người Arab, 61% người Do Thái và 1% là người Arab theo Cơ đốc giáo. Phần lớn dân số Palestine sống tại Đông Jerusalem. Mặc dù một số khu vực tại Jerusalem có cộng đồng người Israel và Arab chung sống nhưng phần lớn các địa điểm tại đây đều bị chia rẽ theo nhóm người.

Trước năm 1980, một số quốc gia như Hà Lan và Costa Rica đã đặt đại sứ quán tại Jerusalem. Nhưng đến tháng 7-1980, Israel ban hành luật tuyên bố Jerusalem là thủ đô của nước này dẫn đến phản ứng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc công bố nghị quyết lên án việc Tel Aviv sáp nhập Đông Jerusalem, coi đây là hành động vi phạm luật quốc tế.

Năm 1989, Israel cho Mỹ thuê một mảnh đất tại Jerusalem để đặt đại sứ quán với hợp đồng kéo dài 99 năm. Trong khi đó, phía Palestine luôn coi việc Mỹ chuyển đại sứ quán đến Jerusalem là vi phạm luật pháp quốc tế.

Năm 1995, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật chuyển đại sứ quán nước này tại Tel Aviv về Jerusalem - hành động mang tính tượng trưng thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với đồng minh Israel. Luật này cũng cho phép các đời tổng thống sau đó được ban hành và cập nhật các lệnh trì hoãn thực thi luật này 6 tháng một lần.

Tuy nhiên, những người tiền nhiệm Tổng thống Trump của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đã lựa chọn gia hạn sắc lệnh tiếp tục đặt Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv để tránh gây căng thẳng. Họ đều hiểu rằng chủ quyền tại Jerusalem lâu nay là vấn đề hết sức nhạy cảm và là tâm điểm của cuộc xung đột Israel-Palestine và cũng chính là một trở ngại lớn đối với tiến trình hòa bình khu vực, đồng thời quy chế Jerusalem cần được thông qua bởi một thỏa thuận cuối cùng giữa người dân Israel và Palestine.

Theo TTXVN