Cải cách hành chính từ góc nhìn thế giới

Để có thể phát triển bền vững, nhiều quốc gia trên thế giới đã xem cải cách hành chính là tiền đề quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích cho mọi người dân. Cải cách hành chính trong các lĩnh vực như thuế, hải quan, cấp giấy phép kinh doanh, đầu tư…, sẽ giúp các nước tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo cơ hội phát triển công bằng và rộng khắp cho tất cả thành phần kinh tế.

Mục tiêu “nhanh, gọn”

Theo báo cáo “Môi trường Kinh doanh 2018: Cải cách để tạo ra việc làm” mà Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, New Zealand (Niu Di-lân), Singapore (Xin-ga-po), Đan Mạch, Hàn Quốc lần lượt giữ bốn vị trí đầu tiên về môi trường kinh doanh thuận lợi hàng đầu thế giới, với các thủ tục nhanh gọn về cấp giấy phép đầu tư, thuế, hải quan….

Giới chuyên gia quốc tế nhận định Singapore là một trong những hình mẫu phát triển kinh tế đầy năng động trong nhiều năm qua, với nền hành chính quản trị hiện đại. Những thành tựu nổi bật trong quản lý và phát triển kinh tế của Singapore là dựa trên sự chú trọng và thực hiện cải cách hành chính từ rất sớm, bên cạnh chính sách tăng cường thu hút trọng dụng nhân tài. Sau khi đề ra phong trào hướng tới sự thay đổi với trọng tâm là đổi mới cơ chế quản lý, Singapore đã khởi động chương trình cải cách vào những năm đầu thập niên 1990 nhằm xây dựng nền công vụ có hiệu quả với lực lượng công chức có năng suất lao động và chất lượng dịch vụ cao.

Trong những năm qua, Singapore đã thành lập các cơ quan và xây dựng những cơ chế nhằm tìm hiểu, đánh giá và đề xuất phương án giải quyết các kiến nghị của người dân cũng như giới doanh nghiệp. Bên cạnh việc chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên ở khu vực công, Singapore còn thường xuyên rà soát nhằm loại bỏ các quy định lạc hậu. Ngoài ra, Singapore đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường năng lực cho đội ngũ nhân viên chính phủ để áp dụng công nghệ mới, cung cấp dịch vụ công thông qua mạng Internet. Các chuyên gia nhận định Singapore là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển chính phủ điện tử hàng đầu trong khu vực và châu lục.

Cải cách hành chính cũng đã góp phần đưa Hàn Quốc từ một quốc gia nông nghiệp, kém phát triển vươn lên trở thành một nền kinh tế hàng đầu châu Á. Hàn Quốc đã sớm nhận thấy sự lạc hậu trong cách thức điều hành bộ máy chính phủ khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới và cần có những thay đổi cơ bản. Hàn Quốc đã nhanh chóng tiếp nhận những kinh nghiệm của các nước để xây dựng chương trình cải cách khu vực công, nhằm khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997, tập trung vào những lĩnh vực chính trong đó có hợp tác, tài chính và lao động.

Hồi đầu tháng 8-2017, Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc đã thông báo những đề xuất về cải cách thuế nhằm tạo ra việc làm, tái phân bổ những lợi ích mà tăng trưởng kinh tế mang đến và nâng cao nguồn thu ngân sách từ thuế. Với những nỗ lực trên, Hàn Quốc đã thu được những kết quả rất tích cực về cải cách hành chính như sửa đổi các quy định để bảo đảm sự thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường trên nguyên tắc giảm bớt sự can thiệp của chính phủ và hạ thấp chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Trong khi đó, một quốc gia khác ở Đông Nam Á là Malaysia (Ma-lai-xi-a) cũng đã chú trọng tiến hành cải cách hành chính từ rất sớm. Bắt đầu từ thập niên 1960, Malaysia cùng lúc tiến hành cải cách hành chính tại các lĩnh vực như cơ cấu tổ chức và quản lý nhân sự, đất đai và quản lý bộ máy hành chính tại địa phương... Trong giai đoạn tiếp theo, Malaysia tiến hành cải cách mạnh mẽ hệ thống dịch vụ công bằng việc thành lập các cơ quan “một cửa” với tiêu chí nhanh chóng, trật tự và thuận tiện.

Ngoài ra, Malaysia đã cử các nhân sự đi học tập kinh nghiệm quản lý từ các nước phát triển. Chính phủ Malaysia cũng nỗ lực áp dụng công nghệ thông tin vào công việc, nhằm từng bước cải thiện và đưa chất lượng dịch vụ công theo kịp với các quốc gia trong khu vực và châu lục.

Nền kinh tế Malaysia được đánh giá là có sức cạnh tranh tương đối tốt với vị trí thứ 19 trong Niên giám Sức Cạnh tranh Thế giới 2016 và vị trí thứ 18 trong Chỉ số Môi trường Kinh doanh Thuận lợi của WB. Dù vậy, theo ông Ali Salman, lãnh đạo Viện Dân chủ và Kinh tế của Malaysia (IDEAS), Malaysia vẫn cần nâng cao sức cạnh tranh hơn nữa và giảm bớt sự can thiệp của chính phủ nếu muốn đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2020.

Bài học thực tiễn

Từ kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên, để thực hiện cải cách hành chính thành công thì cần có sự quyết tâm mạnh mẽ của chính phủ và các cơ quan quản lý. Tiếp đến, các nước đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong quan điểm và nhận thức về cải cách của lãnh đạo và đội ngũ nhân viên trong các cơ quan quản lý và người dân về chủ trương cải cách. Cải cách hành chính làm thay đổi nhận thức về vai trò và chức năng của chính phủ từ quản lý sang hỗ trợ và phục vụ. Mục tiêu của cải cách là coi yêu cầu của người dân, doanh nghiệp làm cơ sở cho những quyết sách của chính phủ các nước với các tiêu chí là công khai, minh bạch và thuận lợi.

Ngoài việc tiến hành cải cách một cách dài hạn, đồng bộ và toàn diện, một yếu tố then chốt khác trong cải cách hành chính là xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân viên chính phủ đủ năng lực, có khả năng đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao. Kinh nghiệm cải cách hành chính trên thế giới cho thấy việc xây dựng được đội ngũ nhân lực cho các cơ quan quản lý của chính phủ có chuyên môn tốt, có trách nhiệm trong thực hiện công vụ có vai trò rất quan trọng trong việc cải cách thành công.

Vấn đề không kém phần quan trọng là các nước cũng vận dụng các bài học kinh nghiệm, tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế về cải cách hành chính. Các quốc gia tiến hành cải cách nền hành chính đều nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về cải cách hành chính, dù không có mô hình hay trình tự nhất định cho cải cách hành chính của từng nước nhưng việc nghiên cứu học tập cải cách hành chính tại các quốc gia đi trước để về vận dụng vào thực tế trong nước là điều cần thiết và có lợi.

Bên cạnh đó, các nước cũng chú trọng tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở kỹ thuật hạ tầng phục vụ nền hành chính quốc gia. Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, cùng với việc khoa học kỹ thuật phát triển nhanh, mạnh là xu thế hội nhập quốc tế thì tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở kỹ thuật hạ tầng phục vụ nền hành chính cần được coi như một trong các giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý ở các nước.

Theo TTXVN