1. Trong nước
* Ngày 25-11-1945: Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc.
Chỉ thị xác định rõ: “Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”. “Đối với cách mạng Việt Nam, nhiệm vụ riêng, cần kíp là củng cố chính quyền; chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân”.
Thực hiện chủ trương đó, Đảng ta bắt tay giải quyết những khó khăn cấp bách trước mắt của đời sống nhân dân, tăng cường thực lực cách mạng trên tất cả các phương diện: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội...
Sức mạnh đoàn kết của nhân dân với Đảng Cộng sản và chính quyền cách mạng thể hiện trong “Tuần lễ vàng”, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội ngày 6-1-1946, và ở các phong trào “diệt giặc đói” và “diệt giặc dốt”...
* Ngày 25-11-2005: Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên được tôn vinh là di sản văn hóa của nhân loại.
UNESCO đã công bố Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Biểu diễn cồng chiêng trong lễ hội Tây Nguyên.
Cồng chiêng tồn tại từ nền văn hóa Đông Sơn, cách đây 3.500-4.000 năm, gắn liền với sự tồn tại và phát triển của các dân tộc Tây Nguyên. Đây là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Nhạc cụ này có nhiều cỡ; có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, một bộ từ 2 - 20 chiếc.
Mỗi một dàn cồng chiêng là tiếng nói tâm linh, tâm hồn của người Tây Nguyên, để diễn tả những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ.
2. Thế giới
* Ngày 25-11: Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.
Ngày 17-12-1999, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chỉ định ngày 25-11 hàng năm là Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ, các tổ chức quốc tế khắp thế giới tổ chức các hoạt động vào ngày này để nâng cao ý thức mọi người về tình trạng bạo hành với phụ nữ.
Theo công bố của WHO, cứ ba phụ nữ trên thế giới thì có một người là nạn nhân của bạo hành gia đình, đa số là phụ nữ châu Á và Trung Đông. Tại Việt Nam, theo một thống kê, có gần 60% phụ nữ từng là nạn nhân của ít nhất một trong ba hình thức bạo hành thể xác, tình dục và tinh thần trong đời. Điều đáng ngại hơn, một nửa trong số nạn nhân này chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng.
* Ngày 25-11-1992: Liên hợp quốc thông qua các biện pháp bảo vệ tầng Ozon.
Tại Hội nghị của Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tổ chức ở Copenhagen (Đan Mạch), đại diện của 93 quốc gia đã nhất trí các biện pháp đẩy nhanh các nỗ lực nhằm loại bỏ việc sản xuất và sử dụng các loại hóa chất ảnh hưởng đến tầng Ozon.
Các biện pháp này chủ yếu đề cập đến việc hủy bỏ các chất khí phá hủy tầng Ozon như Clorofluorocacbon (CFC), Halon và Hydro Clorofluorocacbon (HCFC). Phấn đấu đến năm năm 2020 giảm 99,5% và bị cấm hoàn toàn vào năm 2030.
Các nhà khoa học tính rằng, nếu không có biện pháp ngăn chặn, lượng chất phá hủy tầng Ozon trong khí quyển Trái đất có thể tăng gấp 10 lần vào năm 2050, gây thêm 20 triệu ca bệnh ung thư da và 130 triệu ca bệnh đục thủy tinh thể.
Theo TTXVN