Trong một buổi điều trần tại Hạ viện Pháp, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves le Drian (Giăng I-vơ Lơ Đri-ăng) cho biết nước này đã đề nghị HĐBA tổ chức một cuộc họp về tình hình người di cư tại Libya cũng như đề nghị Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Cao ủy LHQ về người tị nạn công bố chi tiết về tình hình buôn bán người tị nạn tại Libya. Theo ông, chính quyền Libya đã từ chối mở một cuộc điều tra về vấn đề này, mặc dù đã nhận được cảnh báo nhiều lần. Nhấn mạnh tính cấp thiết của vấn đề, Ngoại trưởng Pháp cũng đề xuất nếu hệ thống tư pháp Libya không thể tiến hành các thủ tục điều tra, Paris nên áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế.
Động thái quyết liệt này của Pháp được đưa ra sau khi Tổng thống Emmanuel Macron (Em-ma-nuy-en Ma-crông) lên án mạnh mẽ tình trạng buôn bán nô lệ tại Libya mà kênh truyền hình CNN của Mỹ đưa tin. Tuần trước, CNN đã đăng một cảnh quay về một buổi bán đấu giá nô lệ người da đen và khách mua đến từ Bắc Phi với giá khởi điểm là 400 USD.
IOM đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng buôn người tại châu Phi đồng thời lên án việc châu Âu hợp tác với Libya để ngăn dòng người di cư vượt Địa Trung Hải. Ngày 21-11, trong cuộc thảo luận mở của HĐBA về ngăn chặn tình trạng buôn người tại các vùng xung đột, các quan chức hàng đầu LHQ, trong đó có Tổng Thư ký Antonio Guterres (An-tô-ni-u Gu-te-rết) và người đứng đầu Cơ quan LHQ về phòng chống ma túy và tội phạm (UNIDO) Yuri Federov (Y-u-ri Phê-đê-rốp) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế có trách nhiệm tập thể trong việc chấm dứt nạn buôn người. HĐBA cũng thông qua nghị quyết kêu gọi tất cả các nước thành viên "thúc đẩy cam kết chính trị và cải thiện việc thực thi những nghĩa vụ pháp lý để trừng phạt, ngăn chặn và đấu tranh với nạn buôn người". Trước đó, Liên minh châu Phi (AU) cũng lên án nạn buôn người người di cư châu Phi ở Libya và kêu gọi các nước thành viên hỗ trợ những người tị nạn này.
Hưởng ứng lời kêu gọi này, ngày 22-11, Rwanda đề nghị tiếp nhận khoảng 30.000 người di cư châu Phi đang bị lạm dụng và bị đối xử như nô lệ ở Libya. Trong một thông báo, Ngoại trưởng Rwanda Louise Mushikiwabo (Lu-i-dê Mu-si-ki-oa-bô) cho biết số lượng người và cách thức tiếp nhận hiện vẫn đang được thảo luận thêm do quyết định vừa được đưa ra.
Cùng ngày, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Italy thông báo đã cứu được khoảng 1.100 người di cư lênh đênh trên biển. Những người này đi từ Libya vượt Địa Trung Hải trên 10 chiếc thuyền cao su và một thuyền gỗ nhỏ. Trong số những người được cứu, có 1 phụ nữ vừa sinh con trên một chiếc thuyền cao su.
Ước tính, trong năm nay, khoảng 114.600 người di cư đã vượt biển để đến Italy, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo TTXVN