(NTO) Ngày 10-11, Bộ CHQS tỉnh phát động thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 45 năm chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” và phong trào thi đua “Quân đội chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Nội dung đợt thi đua cao điểm “Viết tiếp chiến công, hiệp đồng quyết thắng” thực hiện trong thời gian 45 ngày (từ ngày 13-11 đến 28-12). Theo đó, các cơ quan, đơn vị tập trung thi đua giành “Ba nhất”, đó là: Nhận thức, trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao nhất; thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả cao nhất; xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật nghiêm túc. Phấn đấu đến năm 2020, các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp, tham gia giúp đỡ, góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu của Chính phủ về giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Theo đó, đợt thi đua hướng đến thực hiện mục tiêu 100% cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, nêu cao ý chí quyết tâm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, kịp thời phát hiện, xử lý tốt các tình huống, không để bị động, bất ngờ; hoàn thành tốt nội dung, chương trình theo kế hoạch đề ra.
► Từ năm 2015–2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chuyển giao 11 mô hình khuyến nông cho 10/16 xã nông thôn mới từ các nguồn vốn khác nhau với tổng giá trị 1,64 tỷ đồng. Có 161 hộ nông dân tham gia trực tiếp vào mô hình Khuyến nông và 585 nông dân tham gia gián tiếp thông qua đào tạo tập huấn, tham quan, hội nghị đầu bờ. Trung tâm đã tập trung tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi…, đẩy nhanh ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Trong năm 2018, Trung tâm sẽ chuyển giao mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao thụ tinh nhân tạo trên dê.
► UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 2158/QĐ-UBND giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện thực hiện việc giao chỉ tiêu kế hoạch triển khai mô hình sản xuất cánh đồng lớn năm 2018, gắn với liên kết doanh nghiệp thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác để hỗ trợ sản xuất và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nhân dân trên địa bàn tỉnh với diện tích 1.424,6 ha, trong đó: Huyện Ninh Phước 764 ha; huyện Ninh Sơn 180,6 ha; huyện Ninh Hải 130 ha; huyện Thuận Nam 100 ha; huyện Thuận Bắc 150 ha và huyện Bác Ái 100 ha.
► Từ đầu năm đến nay, số lượng tổng đàn vật nuôi trên địa bàn huyện Ninh Hải tiếp tục duy trì và phát triển ổn định với 265.700 con; trong đó, gia súc có 65.100 con, gia cầm 200.600 con, tăng trên 41.800 con so với cùng kỳ năm 2016. Công tác phòng chống dịch bệnh được chú trọng nên hạn chế tình hình dịch bệnh xảy ra.
Nhóm PV - CTV