Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12

(NTO) Ngày 6-11, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12 năm 2017. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Đầu cầu tỉnh ta, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố dự họp.

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, bão số 12 đổ bộ vào đất liền tại khu vực Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa vào sáng ngày 4-11, hoàn lưu bão cũng gây ảnh hưởng trực tiếp từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Định, Tây Nguyên. Cơn bão gây thiệt hại nặng nề, với 46 người chết, 15 người mất tích đến thời điểm này. Hơn 1.350 nhà bị sập đổ và 114.860 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Tại vùng biển Bình Định, xảy ra sự cố tàu vận tải nghiêm trọng với 10 tàu (101 thuyền viên) bị chìm, hư hỏng trên khu vực phao số 0, Cảng Quy Nhơn (riêng tàu Thanh Hải 18 hiện chưa xác định được số thuyền viên). 1.280 tàu cá bị chìm, hư hỏng. Hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, thông tin…bị ảnh hưởng nặng nề.

Hội nghị trực tuyến công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12. Ảnh: Văn Miên

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam, cho biết: Trước diễn biến tình hình bão số 12 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Ninh Thuận, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các Sở, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị cần tập trung cao độ với tinh thần chủ động, khẩn trương, quyết liệt; nắm chắc tình hình, triển khai có hiệu quả công tác ứng phó bão số 12 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1659/CĐ-TTg ngày 01-11-2017. Đã tổ chức sơ tán toàn bộ các hộ dân khu vực ven biển, vùng nguy hiểm là 3.410 hộ/13.059 người. Đã tổ chức chằng chống nhà cửa 3.634 cái. Tổ chức sắp xếp, kêu gọi, di chuyển, neo đậu tàu thuyền tỉnh Ninh Thuậ 2.651 chiếc với 16.474 lao động neo đậu tại cảng cá an toàn. Tuy bão số 12 không đổ vào, nhưng hoàn lưu sau bão cũng đã gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Cụ thể, 68 nhà dân bị hư hỏng, tốc mái; một số cơ trường học của huyện Ninh Sơn, Bác Ái bị hư hỏng. Một số công trình hồ thủy lợi, hệ thống giao thông bị ảnh hương do mưa lũ.

Mặc dù bão số 12 không ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Ninh Thuận, tuy nhiên diễn biến tình hình thời tiết, mưa lũ vẫn rất phúc tạp, do đó tỉnh Ninh Thuận cũng đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc Công điện số 1680/CĐ-TTg ngày 4-11-2017 của Thủ tướng Chính phủ; Thông báo số 299-TB/TU ngày 2-11-2017 của Tỉnh ủy; Công văn số 4678/UBND-KT ngày 4-11-2017 của UBND tỉnh về việc tiếp tục chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của hoàn lưu bão số 12. UBND các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức rà soát, nắm chắc tình hình thiệt hại do ảnh hưởng bão số 12 và mưa lũ gây ra, chủ động ngay việc huy động lực lượng xung kích, hỗ trợ kinh phí, tổ chức giúp Nhân dân khắc phục kịp thời để ổn định nơi ở ngay và sớm ổn định cuộc sống do bão, lũ gây ra.

Sau khi nghe báo cáo, kiến nghị của các địa phương; phát biểu đóng góp ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, phát biểu kết luộn hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Bão số 12 với cường độ rất mạnh, diện rộng và kéo dài khắp các tỉnh miền Trung. Công tác chỉ huy của Ban chỉ đạo Trung ương, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, đã chỉ đạo kịp thời; lãnh đạo địa phương đã lăn lộn hiện trường để chỉ đạo công tác ứng phó. Đặc biệt, công tác dự báo có tiến bộ; công tác điều tiết hồ tốt nên đã hạn chế thiệt hại, cần phát huy. Tuy nhiên, cơn bão cũng gây thiệt hại lớn về người, đến nay có 46 người chết và 15 người mất tích. Thay mặt Chính phủ, biểu dương các cấp, các ngành, địa phương trong việc xử lý bão lũ vừa qua; Đảng và Nhà nước chia sẽ thiệt hại với người dân, nhất là chia sẻ, chia buồn đối với các gia đình có thân nhân bị thiệt hại về người và mất tích. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, các bộ ngành, địa phương tập trung lực lượng, phương tiện để tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; kịp thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu đối với các khu vực bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ, kiên quyết không để hộ dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ khắc phục các sự cố đối với hệ thống lưới điện, giao thông; khẩn trương tổ chức ổn định các mặt về đời sống, sản xuất nhất là dọn vệ sinh môi trường tránh phát sinh dịch bệnh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ sau bão để chủ động triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng. Vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình; bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước. Triển khai phương án bảo đảm an toàn hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Thủ tướng Chính phủ quyết định giải quyết một lượng gạo cần thiết cho các địa phương bị thiệt hại do bão, lũ, gồm: 500 tấn gạo đối với các địa phương thiệt hại nặng; 100 đến 200 tấn đối với các địa phương thiệt hại nhẹ; dành 1.000 tỷ đồng kinh phí dự phòng hỗ trợ cho các địa phương khắc phục cơ sở hạ tầng sau bão; Các Bộ Tài chính, Lao động thương binh xã hội và Y tế, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan giải quyết nhanh nhất đưa gạo hỗ trợ và thuốc phòng chống dịch bệnh nhanh nhất đến với dân vùng bão lũ. Riêng thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam vừa khắc phục bão lũ, vừa chủ động dọp dẹp đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn đối với sự kiện tuấn lễ APEC.