Ma Nới: Thực hiện hiệu quả mô hình tộc họ tự quản về an ninh trật tự

(NTO) Những năm qua, mô hình tộc họ tự quản về an ninh trật tự (ANTT) tại xã Ma Nới (Ninh Sơn) đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần đảm bảo ANTT tại địa phương.

Hiện nay, tại xã Ma Nới có 27 tộc họ là người Raglai; trong đó, 5 tộc họ đã triển khai mô hình tộc họ tự quản về ANTT gồm: Tộc họ Tà Yên, Vari Nhông, Cà Mau, Kator và Tà Pú. Ở mỗi tộc họ, tùy theo phong tục, tập quán mà xây dựng các quy ước, quy chế riêng, nhưng nhìn chung vẫn dựa trên nguyên tắc tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải và cùng nhau phát triển kinh tế.

Ông Nghiêm Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Ma Nới cho biết: Với đặc điểm địa phương hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân rất đề cao sự đoàn kết trong tộc họ. Từ những hoạt động nhỏ trong gia đình, tộc họ đều quan tâm sâu sát nhằm chia sẻ và hỗ trợ nhau trong đời sống và sản xuất. Theo đó, nhằm phát huy những mặt tích cực của tộc họ, năm 2008, UBND xã Ma Nới đã phối hợp với Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc huyện Ninh Sơn triển khai mô hình tộc họ tự quản về ANTT cho tộc họ Tà Yên. Sau 2 năm, mô hình tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên trong tộc họ; không có trường hợp vi phạm pháp luật; con cháu học tập tiến bộ, trong đó 90% học sinh đến trường đúng độ tuổi, 20% con em học tập tại các trường đại học và cao đẳng. Nhận thấy được hiệu quả, nhiều tộc họ tại địa phương đã lần lượt đăng ký tham gia mô hình trên.

 
Cán bộ xã Ma Nới gặp gỡ, trao đổi với trưởng tộc họ Cà Mau.

Theo nguyên tắc đề ra, thành viên của mỗi tộc họ sẽ chọn ra người uy tín nhất để giữ vai trò tộc trưởng. Sau đó, tộc trưởng phân ra nhiều chi rải đều các khu vực trong xã, mỗi chi sẽ có chi trưởng, chi phó và tổ ANTT. Trong trường hợp xảy ra các vụ việc tranh chấp nhỏ, mâu thuẫn giữa cặp vợ chồng, người đứng đầu tộc họ và chi sẽ đến tận nhà các gia đình lắng nghe tâm tư, tình cảm từ các thành viên, chủ động phân tích, hòa giải dưới sự chứng kiến và thống nhất của cả họ. Còn trường hợp thành viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy ước, tộc họ sẽ nhắc nhở và kiểm điểm, đồng thời cho ký cam kết không tái phạm. Song song đó, tổ ANTT lập danh sách cá nhân vi phạm để quản lý, nếu thành viên tiếp tục vi phạm, tộc họ sẽ chuyển cho chính quyền địa phương giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, theo thông lệ hằng tháng, mỗi chi của tộc họ phối hợp cùng đoàn thể địa phương tổ chức họp mặt các thành viên nhằm tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và quy ước, quy chế của tộc họ. Ông Cà Mau Nga, Trưởng tộc họ Cà Mau cho biết: Tình hình dân trí bà con mình vẫn còn thấp, nên trong buổi họp cần truyền đạt những gì gần gũi và thực tế nhất, như vậy bà con mới hiểu, tích cực học tập và lắng nghe. Rồi phải quan tâm đến đời sống của thành viên, gia đình nào khó khăn mình giúp đỡ bằng nguồn quỹ tộc họ, gia đình nào còn tồn tại các hủ tục, mê tín dị đoan mình dùng lời lẽ để gia đình hạn chế và xóa bỏ.

Nhờ thực hiện hiệu quả mô hình trên mà tình hình ANTT tại xã luôn giữ ổn định, các vụ việc liên quan đến ANTT đều giảm. Điển hình, từ đầu năm đến nay, số vụ liên quan đến ANTT chỉ có 13 vụ, chủ yếu là vi phạm về Luật Giao thông đường bộ, không có đơn từ khiếu nại, không có trường hợp gây gổ, đánh nhau. Ông Nghiêm Văn Vinh cho biết thêm: Các tộc họ, dòng họ tự quản trong xã đã góp phần tích cực trong công tác giữ gìn ANTT ở địa bàn dân cư. Không chỉ giúp nhau phát triển kinh tế, hoạt động các tộc họ còn gắn với giữ gìn ANTT, kịp thời phát hiện và giáo dục con em vi phạm, thẳng thắn đấu tranh với tiêu cực trong tộc họ.