Từ nguồn vốn vay ưu đãi 25 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, 5 triệu đồng do “Quỹ vì người nghèo” của Ủy ban MTTQVN tỉnh hỗ trợ cộng với vốn vay từ người thân, hàng xóm, năm 2016, chị Từ Thị Bi, thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) đã xây dựng được ngôi nhà cấp bốn trị giá 80 triệu đồng. Được sống trong ngôi nhà mới rộng rãi, thoáng mát là niềm mơ ước từ lâu đối với những hộ nghèo như gia đình chị Bi. Chị Bi phấn khởi: Trước đây do hoàn cảnh quá khó khăn, nhà thì đông con, 2 vợ chồng đi làm thuê, làm mướn cố gắng lắm thì mới đủ ăn chứ không mong có được một ngôi nhà cho ổn định. Do vậy, nhiều năm qua cả gia đình phải sống trong ngôi nhà lợp tôn dột nát, nắng thì nóng nực, mưa thì thấm dột. Nếu không được sự hỗ trợ của Nhà nước và tỉnh thì chưa biết đến lúc nào mới được ở nhà xây kiên cố, rộng rãi như hiện nay.
Niềm vui trong ngôi nhà mới của chị Từ Thị Bi, thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước).
Giống như gia đình chị Bi, đã có hàng trăm hộ nghèo trên địa bàn tỉnh cũng được hỗ trợ xây nhà ở theo Quyết định số 33. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong giai đoạn 2016-2017, từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương phân bổ 17 tỷ đồng, năm 2016, tỉnh ta đã hỗ trợ xây dựng được 120 căn nhà cho hộ nghèo, với số tiền 3 tỷ đồng. Năm 2017 đang thực hiện 560 căn/14 tỷ đồng, tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn đến nay còn khá chậm, chỉ giải ngân được 4,46 tỷ đồng/190 hộ. Nguyên nhân do một số hộ gia đình không còn nhu cầu vay vốn, số khác lại mong muốn Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn… Ông Nguyễn Thành Phú, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Để đảm bảo thực hiện theo kế hoạch, hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thành phố bổ sung các hộ nằm trong danh sách thực hiện năm 2018 của Đề án để đưa vào năm 2017 thực hiện, nhằm giải ngân 100% cho 14 tỷ đồng của kế hoạch năm 2017.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Phú, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 33 còn nhiều vướng mắc. Trước hết, vốn vay ưu đãi tối đa chỉ được 25 triệu đồng. Trong khi đó, đối tượng được hỗ trợ là hộ nghèo cho nên nguồn vốn tự có của các gia đình còn hạn chế. Thêm nữa, phần lớn đối tượng hộ nghèo ở các địa phương còn nhiều khó khăn, nên nguồn vốn xã hội hoá không nhiều, vì vậy, nhiều hộ không dám vay vốn. Ngoài ra, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước của một số hộ vẫn còn nên gây trở ngại cho việc triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện cũng phát sinh hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 có nhu cầu vay vốn xây dựng nhà ở nhưng lại không thuộc đối tượng theo Quyết định số 33. Để giải quyết cho số đối tượng này, Sở Xây dựng đã gửi văn bản yêu cầu các huyện, thành phố tổ chức rà soát, báo cáo số liệu phát sinh để Sở tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng.
Thực hiện Quyết định số 33, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2249/QĐ-UBND ngày 14-10-2015 phê quyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh sẽ có 2.439 hộ nghèo được hỗ trợ cho vay ưu đãi xây dựng nhà ở với tổng số vốn thực hiện trên 97,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay tín dụng ưu đãi (mức vay 25 triệu đồng/hộ) là 60,975 tỷ đồng; vốn huy động tại địa phương từ “Quỹ vì người nghèo” do Ủy ban MTTQVN tỉnh hỗ trợ (5 triệu đồng/hộ) gần 12,2 tỷ đồng; dự kiến vốn huy động của cộng đồng, dòng họ và của chính hộ gia đình được hỗ trợ trên 24,3 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 33, hộ nghèo được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở. Lãi suất vay 3%/năm, thời hạn vay là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm, thời gian trả nợ tối đa là 10 năm. Bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay. Quyết định này sẽ tạo điều kiện cho các hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để xây dựng nhà ở, xoá nhà tạm, ổn định cuộc sống lâu dài.
Hòa Bình