Qua đánh giá của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai huyện Bác Ái, trong năm 2016, dù đã chủ động nhiều phương án, tuy nhiên trước diễn biễn khó lường của thiên tai, trên địa bàn huyện vẫn gánh chịu một số thiệt hại nhất định về người và tài sản. Riêng trong tháng 5 vừa qua, do ảnh hưởng của áp thấp gây mưa lớn kéo dài, trên địa bàn huyện cũng đã thiệt hại hơn 250 ha cây trồng, hơn chục con gia súc bị chết, 1 căn nhà bị tốc mái và nhiều tuyến đường giao thông, kè, đập thủy lợi tại các xã: Phước Hòa, Phước Đại và Phước Thắng bị hư hỏng nặng, ước tổng thiệt hại gần 1,2 tỷ đồng.
Lực lượng du kích xã Phước Tiến hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại mùa mưa bão 2016. Ảnh: Anh Sơn
Ông Võ Khánh Khang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bác Ái cho biết: Ngay sau mỗi đợt mưa, bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện đều tổ chức các cuộc họp rút kinh nghiệm; đồng thời, thành lập đoàn công tác trực tiếp xuống địa bàn các xã chỉ đạo khắc phục hậu quả, cứu trợ kịp thời và động viên nhân dân tiếp tục sản xuất, ổn định cuộc sống. Bước vào mùa mưa năm nay, trước dự báo tình hình mưa lũ sẽ có những diễn biến bất ngờ, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai huyện đã đề ra những phương án, kế hoạch cụ thể đối với tình hình thực tế của địa phương. Ngoài công tác kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, địa phương còn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con nâng cao cảnh giác, phòng, chống thiên tai; vận dụng tốt phương châm "4 tại chỗ", huy động tổng lực về người, phương tiện, cơ sở vật chất nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Đến nay, hầu hết các thôn, xã trên địa bàn huyện đều đã thành lập những đội thanh niên du kích luôn sẵn sàng hỗ trợ trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, bước vào mùa mưa, bão năm nay, địa phương cũng đã ưu tiên bố trí các nguồn vốn gia cố các công trình xung yếu, đảm bảo hoạt động tốt trong mọi tình huống. Đối với những khu vực dễ bị sạt lở đất như: thôn Suối Lở, Ma Nai (xã Phước Thành); khu vực dễ xảy ra lũ quét: dọc sông Cái, hồ Sông Sắt, các điểm dân cư gần sông suối lớn và những khu vực dễ bị chia cắt bởi lũ như: xã Phước Bình, Phước Trung, Phước Chính, thôn Ma Lâm (xã Phước Tân), khu vực làng cũ xã Phước Thắng…cũng đã bố trí những phương án cụ thể về tuyên truyền, cắt cử người, cùng phương tiện hỗ trợ kịp thời khi xảy ra sự cố để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho người dân.
Hiện nay, huyện Bác Ái hiện đang hưởng lợi từ 4 hệ thống hồ chứa gồm: Sông Sắt, Trà Co, Phước Nhơn và Phước Trung. Vì vậy, công tác bảo đảm vận hành an toàn các hồ đập cũng được quan tâm, nhất là khi các hồ chứa có kế hoạch xả lũ. Để bảo đảm an toàn, huyện đã giao Trạm Thủy nông chuẩn bị đầy đủ các vật tư, thiết bị thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống lụt bão tại các hồ chứa và vận hành theo kế hoạch của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh. Ngoài ra, khi các hồ có kế hoạch xả lũ phải thông báo cho chính quyền địa phương phổ biến đến nhân dân vùng hạ du và các cơ quan liên quan về xả lũ trước 6 tiếng đồng hồ để các địa phương, đơn vị chủ động phòng tránh và tổ chức di dời dân ở vùng hạ du đến nơi an toàn.
Do địa hình của Bác Ái rất đặc thù, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế nên thường mỗi mùa mưa, bão đi qua, địa phương đều có thiệt hại về người, chủ yếu là do người dân không chấp hành các khuyến cáo, thông báo từ các cấp chính quyền. Khi xảy ra mưa lũ, gió lốc, nhiều người dân vẫn tự ý lên rẫy, qua các sông suối, đến gần hồ, đập… Vì vậy, bên cạnh những phương án đã đề ra, địa phương cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, nhằm hạn chế những thiệt hại đáng tiếc xảy ra.
Nguyễn Sơn