Qua tìm hiểu thực tế tại một số địa phương, chúng tôi nhận thấy hiện nay một số người dân tại xã Lâm Sơn, Ma Mới, Lương Sơn… vẫn còn “thờ ơ”, chưa nhận thức rõ về mối nguy hiểm khi qua lại các khu vực có cảnh báo nước lũ về bất ngờ hoặc không thực hiện lệnh di tán của địa phương…
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn, cho biết: Huyện Ninh Sơn là địa phương có địa hình phức tạp nên công tác phòng, chống thiên tai còn gặp nhiều khó khăn. Từ thực tế trên, hằng năm, huyện luôn triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo đặc trưng từng khu vực. Những vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất xảy ra bất ngờ ở các thôn như: Tà Nôi, Gia Hoa (xã Ma Nới), Tân Lập, Tân Định (xã Hòa Sơn) và đèo Ngoạn Mục (xã Lâm Sơn), huyện chỉ đạo các địa phương thường xuyên tiến hành kiểm tra, thống kê từng hộ dân sinh sống ven sông, suối, chân núi nhằm cảnh báo cho mọi người nhanh chóng di dời gia súc, tài sản khỏi vùng nguy hiểm trước khi xảy ra lũ. Còn tại các vùng trũng bị ngập lụt, dọc theo tuyến sông Dinh từ xã Nhơn Sơn đến xã Mỹ Sơn, khu vực Gò Đền thôn Phú Thủy (xã Mỹ Sơn), Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện thông báo cho người dân về tình hình nước lũ từ thượng nguồn đổ về, tuyên truyền các biện pháp ứng phó với thiên tai và ngăn chặn không cho bà con qua lại giữa hai bờ sông Dinh.
Ông Dương Đăng Minh cho biết thêm: Theo thông báo của các ngành liên quan, năm nay, tình hình mưa lũ diễn biến thất thường nên huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức nạo vét kênh mương khơi thông dòng chảy, kiểm tra và đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi, bờ kè nhằm đề xuất kinh phí, đẩy nhanh tiến độ sửa chữa các công trình. Hiện nay, tại các khu vực bờ kè bị sạt lở như: cầu Gia Chiêu (xã Lâm Sơn), các khu vực ở xã Hòa Sơn đã được gia cố chắc chắn bằng rọ đá, tránh tình trạng nước lũ cuốn trôi đất sản xuất, tài sản và tính mạng người dân. Đồng thời, huyện đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, chủ động ứng phó trước mọi tình huống. Thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã thành lập lực lượng xung kích với hơn 300 người, chia thành các tổ từ 20-30 thành viên cơ động, đưa về địa phương canh gác những địa điểm xung yếu, hướng dẫn các phương tiện lưu thông, tránh xảy ra tai nạn khi có mưa lũ và theo dõi thiên tai 24/24 giờ nhằm báo cáo sớm để đưa ra phương án giải quyết kịp thời trong mọi tình huống.
Với sự chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt trong mùa mưa lũ, tin rằng Ninh Sơn sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng, tài sản của nhân dân.
Lê Thi