Những “Rái cá” của biển
Năm nay 35 tuổi, nhưng có đến 15 năm theo nghề, chị Phạm Thị Linh là một trong những chị có thâm niên lặn biển lâu năm tại thôn Mỹ Hiệp. Với dáng người nhỏ bé, khuôn mặt chai sạn, rám nắng vì ngâm nước biển lâu ngày khiến chị như già đi trước tuổi. Với chị, lặn biển là một công việc thường nhật, gắn bó cả tuổi trẻ đã qua. Dụng cụ để lặn cũng rất thô sơ: gương lặn, phao tự chế, con dao và chiếc vợt lưới. “Mặc dù ngày nay đã có nhiều cách để đánh bắt hải sản, nhưng tôi vẫn kiên trì bám víu vào cách thức cũ để kiếm sống. Trong suốt những năm qua, hầu như ngày nào tôi cũng bắt đầu như thế, với những dụng cụ thô sơ đó tôi rong ruổi khắp các bãi biển trong tỉnh để lặn bắt các sản vật từ biển cả để nuôi gia đình”- chị Linh vừa nói vừa nhìn xa xăm về bãi biển phía trước.
Chị Linh là hộ nghèo của địa phương, 2 vợ chồng quanh năm vất vả sớm hôm để nuôi 5 đứa con. Nghề lặn biển đến với chị như một cơ duyên mà bản thân chị không nghĩ rằng nó gắn bó với chị cho đến ngày nay. “Mình đến với nghề lặn biển từ khi bước vào tuổi 20, lúc đấy do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà nghèo không có việc làm nên theo chị em trong thôn tập tành đi lặn biển. Mới đầu xuống biển còn khá bỡ ngỡ, nhưng từ kinh nghiệm của những chị đi trước hướng dẫn dần dần cũng quen. Nghề này tuy vất vả nhưng cũng có đồng ra, đồng vào, bình quân thu nhập khoảng 200 ngàn đồng/ngày, còn những ngày “trúng” thì cũng được 500 đến 800 ngàn”- chị Linh tâm sự.
Chị Phạm Thị Linh sau một ngày đi lặn biển trở về. Ảnh: T.Q
Giống như chị Linh, ở thôn Mỹ hiệp có 10 chị cũng theo nghề lặn biển. Hàng ngày công việc của họ bắt đầu từ 6 giờ đi khắp các bãi biển trong tỉnh để lặn tìm hải sản, có khi qua tận Bình Hưng, Vĩnh Hy, lúc thì qua vùng biển Sơn Hải, Cà Ná… Có lẽ không vùng biển nào mà không có dấu chân của họ. Chứng kiến cảnh họ lặn biển mới thấy hết sự khó khăn, vất vả và nguy hiểm của nghề này. Đầu tiên các chị chọn vùng biển để lặn, sau đó tiến ra xa khoảng hơn 100 m, ở độ sâu từ 5 đến 10m họ cứ thế trồi lên rồi lại hụp xuống dưới cái nắng gay gắt và vị mặn của biển để bắt những con tôm, nhum, ốc, có khi là rau câu hoặc bất cứ thứ gì có thể bán được. Chị Phạm Thị Phượng, một “thợ” lặn có 20 năm kinh nghiệm tâm sự: Nếu gặp được hải sản thì có hôm chỉ lặn một buổi từ 4-5 giờ, nhưng nhiều lúc phải lặn cả ngày trên biển thì mới có “ăn”. Tuy vất vả nhưng nghề này “sống” được, thu nhập còn cao hơn làm thuê, làm mướn.
Theo các chị, nghề lặn biển quan trọng nhất là phải biết lặn, biết lấy hơi, giữ nhịp thở để lặn lâu nhất có thể dưới đáy biển. Một yếu tố cũng quan trọng không kém là phải biết vùng biển nào có loại hải sản gì để lặn. Nghề lặn biển cũng theo mùa, có mùa các chị lặn bắt tôm hùm con, mùa thì lặn bắt nhum biển, có mùa thì lặn để vớt rau câu... Những tháng biển động không lặn được thì các chị nghỉ ở nhà đi làm thuê, làm mướn kiếm thêm thu nhập. Cứ thế, ngày qua ngày nghề lặn biển đã gắn bó với các chị nhiều năm qua và đã giúp cho gia đình có cái ăn, cái mặc.
Tương lai bấp bênh…
Không ai biết rõ phụ nữ làm nghề lặn biển ở thôn Mỹ Hiệp có từ bao giờ, chỉ nghe kể rằng: Ngày xưa thanh niên trai tráng có nhiệm vụ đi đánh bắt hải sản xa bờ, ngày ấy nguồn hải sản dồi dào, các chị em ở nhà chỉ cần ra biển mò tìm gần bờ là cũng có cái để ăn, lâu dần trở thành một nghề cho đến ngày nay. Ông Nguyễn Văn Lâu, Trưởng thôn Mỹ Hiệp cho biết: Nghề này có từ lâu rồi, ở gần biển nên chỉ khoảng 13, 14 tuổi là các bé gái đã biết lặn. Cứ thế, họ lặn cho đến khi không còn sức khỏe nữa thì mới nghỉ, làm nghề khác. Hầu hết những chị em đi lặn ở đây đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì miếng cơm manh áo nên họ không quản ngại vất vả để theo nghề vì nghề này dù sao thu nhập cũng còn khá hơn nghề lao động phổ thông khác.
Những năm gần đây, nguồn lợi hải sản ven bờ đang dần cạn kiệt khiến cho công việc lặn biển của chị em ngày càng khó khăn hơn. Họ phải đi xa hơn để lặn, để tìm những con tôm, con ốc và như thế công việc sẽ vất vả hơn rất nhiều và rủi ro cũng cao hơn. Theo các chị, nguy hiểm nhất vẫn là gặp phải sứa, rắn biển hoặc gặp dòng nước chảy ngầm; do ngâm nước biển lâu ngày và làm việc dưới cái nắng gay gắt khiến da các chị xạm đen, ngoài ra do lặn với các dụng cụ thô sơ, không có phương tiện hỗ trợ nên cũng ảnh hưởng tới sức khỏe…
Khi được hỏi có cho con gái tiếp tục theo nghề lặn biển này không? Chị Linh nhìn xa xăm nói: Cái nghề này đòi hỏi sức khỏe dẻo dai, vốn chỉ dành cho đàn ông. Bất đắc dĩ mới phải theo nghề thôi. Cuộc đời mình đã vất vả rồi nên không muốn con theo nghề lặn biển. Chỉ mong các con sau này có công ăn việc làm khác đỡ cơ cực hơn.
Thế Quang