Theo đó, trước cổng các trường học đều đặt một bảng ATGT được thiết kế sinh động với các nội dung ngắn gọn, giúp HS dễ tiếp thu như: HS không được đi môtô, xe gắn máy tới trường; đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy, xe đạp điện; ứng xử thân thiện là nét văn hóa của thanh niên khi tham gia giao thông; hãy nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông… Đến nay, mô hình cổng trường ATGT được triển khai sâu rộng tới 19 trường TH, THCS, THPT trên địa bàn huyện; đặc biệt là ở những nơi có mật độ HS đông, phương triện giao thông qua lại nhiều hoặc trường nằm cạnh quốc lộ, tỉnh lộ… tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT như: Trường THCS Hùng Vương (xã Công Hải), THCS Hà Huy Tập (xã Bắc Sơn), TH Công Hải… Để phát huy hiệu quả mô hình, mỗi trường đều thành lập Đội thanh niên xung kích ATGT gồm các giáo viên trẻ là lực lượng chính. Ngay từ đầu năm học, các trường chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động Đội thanh niên xung kích với phần việc cụ thể theo từng tuần. Hàng tuần, thông qua các buổi chào cờ, các giờ ngoại khóa, giáo dục công dân, các thầy, cô giáo lồng ghép tuyên truyền cho HS các quy định về Luật Giao thông đường bộ, tham gia giao thông một cách trật tự, không dàn hàng 2, hàng 3, đi đúng phần đường quy định. Ngoài ra, mỗi trường đều có bảng lớn gồm các biển báo hiệu giao thông để HS hiểu rõ.
Cô giáo Đào Thị Thu Vân, Hiệu trưởng Trường TH Lợi Hải chia sẻ: Vì trường nằm trên tuyến đường trung tâm huyện, lại gần chợ, có nhiều phương tiện qua lại nên mỗi khi HS ra về, các thầy, cô giáo luôn cảm thấy lo lắng. Từ khi bảng cổng trường ATGT đưa vào sử dụng, nhiều HS đọc hiểu và làm theo, nhắc nhở các em phải thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông. Vì vậy, tình hình mất trật tự trước cổng khi tan trường được hạn chế.
Qua quá trình triển khai, các trường đã tập trung vận động HS thực hiện tốt “5 không” (không điều khiển môtô, xe máy khi không có giấy phép lái xe; không lạng lách, đánh võng, vượt quá tốc độ quy định khi chạy xe; không cổ vũ đua xe trái phép; không điều khiển môtô, xe máy khi đã uống rượu bia; không chở quá số người quy định) và “5 biết” (biết các nội dung biển báo hiệu giao thông; biết đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy; biết bảo vệ các công trình giao thông; biết tình nguyện tham gia các hoạt động đảm bảo trật tự ATGT; biết đi đúng phần đường, chỉ rẽ, vượt khi đã phát tín hiệu và được cho phép đi). Nhờ thực hiện tốt, nên trong những năm qua, tỷ lệ HS vi phạm ATGT giảm rõ rệt. Đối với HS đi xe đạp đến trường đều để xe đúng nơi quy định; không tụ tập dưới lòng đường gây mất trật tự. Thực tế, mô hình “Cổng trường ATGT” đã tác động và có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục nền nếp, tác phong, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT cho HS; đồng thời góp phần giúp các em hình thành nhân cách từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Minh Khai