1. Trong nước
* Ngày 23-9-1945: Nam Bộ kháng chiến - mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc
Chỉ sau 21 ngày nước nhà được độc lập, thực dân Pháp dã tâm xâm chiếm nước ta một lần nữa, chúng nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.
Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng lên, quyết chiến với thực dân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt mới: Nam Bộ Kháng chiến.
Miền Nam thành đồng đi đầu trong sự nghiệp kháng chiến, đã ngăn chặn một bước sự xâm lược của thực dân Pháp, đánh đòn đầu tiên vào âm mưu và hành động đánh nhanh thắng nhanh của chúng ở miền Nam, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc.
* Ngày 23-9-1945: Đoàn tù chính trị từ Côn Đảo trở về.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước ta giành được tự do, độc lập. Tại miền Nam, Xứ ủy Nam Kỳ thực hiện một công tác đặc biệt, đó là tổ chức đón những chiến sĩ cách mạng từ ngục tù đế quốc ở Côn Đảo trở về đất liền.
Đoàn cán bộ tỉnh Sóc Trăng với cờ, biểu ngữ rợp trời ra tận bến Cầu Tàu Sóc Trăng đón đoàn tù Côn Đảo với gần 2.000 tù chính trị bị địch giam cầm và đưa về khu Trường Taberd để chăm sóc.
Sau khi phục hồi sức khỏe, các chiến sĩ tiếp tục tham gia sự nghiệp giải phóng đất nước. Trong số chính trị phạm năm đó đã có rất nhiều đồng chí trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước như: Đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng…
* Ngày 23-9-2009: Việt Nam được bầu vào Ủy ban điều phối của Tổ chức Trí tuệ Thế giới (WIPO).
Việt Nam đã chính thức được bầu vào Ủy ban điều phối của WIPO tại cuộc họp lần thứ 47 Đại hội đồng (WIPO) tổ chức tại Geneva Thụy Sĩ.
Đây là lần thứ 2 trong lịch sử 26 năm tham gia WIPO, VN được bầu vào vị trí quan trọng này. Tham gia UB này, VN đã có điều kiện tham gia sâu rộng hơn trong quá trình hoạch định hướng phát triển của WIPO theo hướng cân bằng, trong đó có tính đến lợi ích của các nước đang phát triển.
Kể từ khi gia nhập WIPO năm 1976, VN nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ WIPO trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ.
2. Thế giới
* Ngày 23-9-2006: Nhật Bản phóng vệ tinh nghiên cứu Mặt trời.
Trong chương trình hợp tác với Mỹ và châu Âu, Nhật Bản phóng lên quỹ đạo vệ tinh "Mặt Trời-B" để đo từ trường của Mặt Trời nhằm giúp các nhà khoa học hiểu biết hơn về tác động của hành tinh này với Trái Đất. Đây là một bước tiến rất quan trọng trong việc nghiên cứu Mặt Trời.
"Mặt Trời-B" có ba kính viễn vọng, giúp quan sát Mặt Trời từ khoảng cách gần nhất từ trước đến giờ. Cơ quan Không gian châu Âu ở quần đảo Svalbard thuộc Na Uy là địa điểm duy nhất trên mặt đất có thể liên lạc mọi lúc với "Mặt Trời-B" và là nơi phân tích những dữ liệu nhận được từ vệ tinh này.
Vệ tinh này đã quay quanh quỹ đạo Trái Đất trong vòng 3 năm và 3/4 khoảng thời gian này nó tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng Mặt Trời.
* Ngày 23-9-2010: Anh đưa vào hoạt động trang trại phong điện trên biển lớn nhất thế giới.
Trang trại phong điện lớn nhất thế giới này là một khu vực rộng 35 km2 tại Biển Bắc, cách bờ biển vùng Inhlân (England) 12 km.
Trang trại này được xây dựng từ năm 2008 với chi phí 780 triệu bảng (1,22 tỷ USD). Hiện trang trại có 100 tuabin, mỗi tuabin cao 115 m, có thể tạo ra lượng điện cung cấp cho 200.000 hộ gia đình. Trong tương lai, số tuabin trong trang trại sẽ tăng lên 341 chiếc với tổng công suất 300 mêgaoát, nâng khả năng sản xuất điện tái sinh của Anh lên 5 gigaoát.
Các chuyên gia môi trường đã hoan nghênh việc vận hành nhà máy phong điện, nhưng kêu gọi chính phủ Anh xây dựng thiết bị dự trữ nguồn điện không sử dụng hết và tích cực khai thác các nguồn năng lượng tái sinh khác.
Hiện nay, Anh có 250 trang trại điện gió đang hoạt động, trong đó có trang trại đặt ngoài khơi, với tổng cộng 2.909 tuabin.
Theo TTXVN