Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế về tình hình bán đảo Triều Tiên

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để ngăn căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên vượt khỏi tầm kiểm soát. Lời kêu gọi này được đưa ra trong cuộc gặp của ông Vương Nghị với người đồng cấp Đức Sigmar Gabriel (Dích-ma Ga-bri-en) bên lề khóa họp 72 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tại New York (Niu Y-oóc) ngày 20-9 (theo giờ Mỹ).

Tại cuộc gặp, ông Vương Nghị nhấn mạnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang ngày càng nghiêm trọng. Ông khẳng định Trung Quốc luôn ủng hộ giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên. Theo ông, không thể giải quyết được vấn đề nếu chỉ sử dụng các biện pháp trừng phạt và gây sức ép. Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần biến sức ép của các lệnh trừng phạt thành động lực cho các cuộc thương lượng ở thời điểm thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi cũng như nắm bắt cơ hội đối thoại. Phía Trung Quốc đánh giá cao sự ủng hộ của Đức đối với đề xuất của Bắc Kinh, theo đó kêu gọi Triều Tiên ngừng các chương trình tên lửa và hạt nhân, trong khi Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận chung quy mô lớn.

Về phần mình, Ngoại trưởng Đức bày tỏ quan ngại trước tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng như việc cơ chế giải trừ vũ khí hạt nhân của thế giới đang bị đe dọa. Ông Gabriel khẳng định rằng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên phải được giải quyết hòa bình thông qua đối thoại và đàm phán, đồng thời nhấn mạnh loại trừ lựa chọn biện pháp quân sự. Phía Đức cũng bày tỏ sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên.

Trước đó, trong cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha (Cang Kiêng Hoa) cũng bên lề khóa họp ĐHĐ LHQ, ông Vương Nghị khẳng định Trung Quốc cam kết thực hiện nghiêm túc các biện pháp trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên.

Theo thông báo ngày 20-9 của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, hai bộ trưởng nhất trí rằng việc Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6 hôm 3-9 và việc liên tục phóng tên lửa đạn đạo rõ ràng vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ cũng như đe dọa an ninh và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt, bà Kang nhấn mạnh việc Trung Quốc đã ủng hộ HĐBA thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng, đồng thời hối thúc Bắc Kinh đi đầu trong việc thực hiện nghiêm túc và minh bạch các biện pháp này.

Về phần mình, ông Vương Nghị cho biết Bắc Kinh cam kết thúc đẩy các biện pháp này, trong đó có tăng cường trấn áp các hoạt động buôn lậu ở biên giới Trung - Triều. Tuy nhiên, quan chức này cũng nhấn mạnh quan điểm của Bắc Kinh là vấn đề Triều Tiên cần được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán.

Liên quan chính sách đối với Triều Tiên, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (Ta-rô Cô-nô) trong phát biểu bên lề khóa họp ĐHĐ LHQ ngày 20-9 cho biết nước này đang phối hợp triệt để với Trung Quốc trong việc đối phó với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Theo ông Kono, qua các cuộc họp và điện đàm giữa các ngoại trưởng, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga thống nhất mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Nhật Bản cũng cho rằng Trung Quốc là nước có thể thuyết phục Triều Tiên do Bắc Kinh chiếm phần lớn hoạt động thương mại của Triều Tiên.

Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết Tổng thống Moon Jae-in (Mun Chê In) sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ và quốc tế gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên để Bình Nhưỡng không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Dự kiến trong bài phát biểu tại ĐHĐ LHQ ngày 21-9, ông Moon sẽ kêu gọi các nỗ lực quốc tế thông qua việc triển khai các nghị quyết của HĐBA LHQ áp đặt trừng phạt Triều Tiên, trong đó có nghị quyết được thông qua hồi tuần trước sau vụ thử hạt nhân của nước này hôm 3-9.

Cuối ngày 21-9, ông Moon sẽ thảo luận với người đồng cấp Mỹ Donald Trump về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Sau đó, 2 nhà lãnh đạo sẽ tiến hành cuộc gặp 3 bên cùng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Sin-dô A-bê).

Trước đó, ngày 19-9, trong bài phát biểu tại ĐHĐ LHQ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng không kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa. Thủ tướng Đức Angela Merkel (An-giê-la Méc-ken) đã phê phán phát biểu trên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho rằng đây là một hành động sai lầm. Bà Merkel cho rằng các biện pháp trừng phạt và nỗ lực ngoại giao là cách đúng đắn duy nhất, và bất kỳ giải pháp quân sự nào đều là không phù hợp.

Trong phản ứng đầu tiên của Bình Nhưỡng đối với phát biểu của Tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho (Ri Y-âng Hô) đã lên tiếng chỉ trích gay gắt, cho rằng lời đe dọa của ông Trump là vô nghĩa lý.

Ông Ri Yong-ho đã đến New York ngày 20-9 và dự kiến có bài phát biểu trước ĐHĐ LHQ trong ngày 22-9 và gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Gu-terres (An-tô-ni-u Gu-tê-rét) vào ngày 23-9.

Theo TTXVN