1. Thông tin nổi bật trong tuần, đó là vụ phóng tên lửa của Triều Tiên: NATO kêu gọi “phản ứng toàn cầu” đối với Bình Nhưỡng. Ngày 15-9, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg (Gien Xtôn-ten-bớc) kêu gọi một “phản ứng toàn cầu” đối với vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên.
Trong tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, ông Stoltenberg cho rằng vụ phóng tên lửa là “một sự vi phạm liều lĩnh các nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ) và một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế” và cần tới một phản ứng toàn cầu.
Sáng 15-9, Triều Tiên đã phóng một tên lửa từ thủ đô Bình Nhưỡng bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Theo Đài NHK của Nhật Bản, tên lửa được phóng đi vào lúc 6 giờ 57 phút sáng theo giờ địa phương và bay qua không phận đảo Hokkaido (Hốc-cai-đô) của Nhật Bản vào lúc 7 giờ 6 phút. Vụ phóng này diễn ra không lâu sau khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua gói biện pháp trừng phạt thứ 8 đối với Bình Nhưỡng sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hồi đầu tháng này.
Sau thông tin về vụ thử tên lửa, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha (Cang Kiêng Hoa) đã điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono (Ta-rô Cô-nô) để thảo luận về cách thức phối hợp ứng phó với vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Kono đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác ba bên giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ thông qua các kênh đối thoại, bao gồm HĐBA LHQ, để có thể đưa ra những biện pháp “mạnh mẽ và hữu hiệu hơn” đối với Bình Nhưỡng.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera (I-chư-nô-ri Ô-nô-đê-ra) cho rằng vụ phóng tên lửa đạn đạo qua lãnh thổ Nhật Bản của Triều Tiên được thực hiện với tính toán nhắm tới vùng lãnh thổ Guam (Goam) của Mỹ trên Thái Bình Dương. Phát biểu với báo giới, ông Onodera cho biết tên lửa đã bay được 3.700 km, tức là đủ tầm bắn tới Guam vốn nằm cách Triều Tiên 3.400 km. Theo quan chức trên, không thể nói chắc về mục đích của Bình Nhưỡng song cân nhắc tới những đe dọa trước đó của Triều Tiên về việc bắn tên lửa đạn đạo tới gần hòn đảo Thái Bình Dương này, có cơ sở để cho rằng Triều Tiên tiến hành vụ phóng mới nhất này có tính toán đối với đảo Guam. Ông Onodera cũng cảnh báo “các hành động tương tự từ phía Bình Nhưỡng có thể sẽ còn tiếp tục”.
2. Vấn đề trong tuần cũng rất đáng chú ý, đó là người đứng đầu Cơ quan điều tra hình sự thuộc Cảnh sát quốc gia của Indonesia, Trung tướng Ari Dono Sukmanto (A-ri Đô-nô Xu-man-tô) thông báo lực lượng cảnh sát các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ thiết lập một hệ thống cơ sở dữ liệu được tích hợp, qua đó các điều tra viên thuộc các nước ASEAN có thể tiếp cận một cách nhanh chóng và an toàn nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố.
Tướng Sukmanto, người đang tham dự Hội nghị Cảnh sát các quốc gia Đông Nam Á (ASEANAPOL) lần thứ 37 tại Singapore, cho biết cảnh sát các nước thành viên ASEAN đã nhất trí thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu ASEANAPOL điện tử (e-ADS) nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố và các loại tội phạm xuyên quốc gia khác. Quan chức này cho biết kế hoạch thiết lập hệ thống này là nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin tình báo một cách nhanh chóng và an toàn với độ chính xác cao, nhất là trong bối cảnh các cuộc tấn công liều chết, sự thâm nhập của chủ nghĩa cực đoan và tội phạm xuyên quốc gia đã trở thành thách thức chính cho các lực lượng thực thi pháp luật trong khu vực.
Theo Tướng Sukmanto, công nghệ thông tin hiện đại trong hệ thống e-ADS là một trong những giải pháp đối phó với các thách thức này.
3. Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, Quỹ nghiên cứu Algalita Marine (AMRF), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Long Beach, bang California (Ca-li-phoóc-ni-a), Mỹ cho biết họ đã phát hiện một khối rác khổng lồ gồm chủ yếu là túi nilon tại phía Nam Thái Bình Dương gần bờ biển Chile và Peru. Khối rác trên có diện tích lên tới 2 triệu km2, tương đương với diện tích lãnh thổ Mexico, phần lớn các loại túi này trong suốt và không thể quan sát được từ xa.
Các nhà hải dương học nhận định một trong những nguy cơ của kiểu ô nhiễm này là việc các hạt vi nhựa từ “hòn đảo” túi nilon trên sẽ xâm nhập vào chuỗi dinh dưỡng thủy sinh, từ đó gây ra đột biến gen. Ngoài ra, sự hiện diện của một khối nhựa khổng lồ trong nước biển cũng có thể làm tăng nhiệt độ bề mặt đại dương, thậm chí nhiệt độ nước biển tại khu vực này có thể còn cao hơn cả phần không khí trên bề mặt của nó.
CĐ