Thời gian gần đây, việc bịa đặt, tung tin đồn trên internet (in-tơ-net) gây hoang mang trong dư luận, không còn là hiện tượng đơn lẻ, mà có nguy cơ lan rộng. Có thể điểm qua vài sự kiện: tháng 4-2015, Ngô Bá Sơn, Vũ Văn Bằng đưa lên facebook tin một nữ sinh viên ở Hà Nội bị “hiếp dâm đến chết” để người dùng nào nhấp chuột vào tin này sẽ bị chuyển hướng đường dẫn đến những trang mạng cần tăng lượng người truy cập hòng hưởng tiền từ dịch vụ quảng cáo của Google; tháng 8-2016, Trần Tuấn Vĩnh đưa lên facebook thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm tới uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự cá nhân; tháng 6-2017, Nguyễn Thị N tung lên facebook tin giả bắt cóc trẻ em; tháng 7-2017, Phạm Thị Mùi đăng trên facebook tin: “Mưa to quá, máy bay rơi luôn” kèm theo năm ảnh máy bay rơi với chú thích vụ việc xảy ra tại sân bay quốc tế Nội Bài;...
Đáng chú ý là tin đồn trên mạng xã hội không chỉ liên quan đến động cơ thiếu lành mạnh trong cạnh tranh kinh doanh, gây chú ý bằng bịa tin giật gân, kiếm lời từ hoạt động quảng cáo, bôi nhọ uy tín và danh dự của người khác, trả thù đối tượng thù ghét, tăng số người truy cập để khoe khoang,... thời gian qua, nhiều tin đồn nhằm phục vụ âm mưu của các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam. Mục đích đen tối của họ là bằng thủ đoạn bịa đặt, vu cáo, vu khống nhằm vào uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam,... gây hoang mang trong tâm lý xã hội, tác động tiêu cực đến niềm tin của công chúng đối với chế độ, hòng đẩy tới sự rối loạn, bất ổn về kinh tế, văn hóa, từ đó gây bất ổn về chính trị.
Năm 2016, Tổng cục An ninh, Bộ Công an đã bắt giữ Nguyễn Xuân Long và hai người khác cùng là quản trị trang mạng do một người ở Mỹ là Nguyễn Hằng lập ra, đã tung tin đồn Việt Nam sắp đổi tiền, dàn dựng hình ảnh mẫu tiền mới, khẳng định các mẫu tiền này được in và vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam, kêu gọi mọi người rút tiền từ ngân hàng để mua vàng, ngoại tệ và kèm theo các bình luận phỉ báng chính quyền, kích động chống phá. Một số kẻ xấu lập tức khai thác, bình luận theo lối đơm đặt, xuyên tạc về tin đồn này; một số địa chỉ truyền thông thiếu thiện chí với Việt Nam cũng triệt để khai thác. Cũng năm 2016, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt, tạm giam đối với đối tượng Nguyễn Danh Dũng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” quy định tại Điều 258 Bộ luật Hình sự. Trước đó, từ tháng 10-2015, Nguyễn Danh Dũng trực tiếp lập, quản trị tài khoản trên youtube, facebook, blog đăng tải thông tin bịa đặt, xuyên tạc…
Tuy nhiên với kẻ xấu, tung tin đồn mới chỉ là một mặt của vấn đề, điều chúng muốn là tìm mọi cách để tin đồn có thể “in dấu” vào nhận thức của người tiếp cận. Để làm điều này, các đối tượng cố gắng tạo ra hiệu ứng tin cậy trong người đọc, với thủ đoạn phổ biến là tin đồn thường kèm theo sự bảo đảm như “một nhân vật quan trọng giấu tên cho biết”, “một nguồn tin khả tín nói rằng”, “một văn bản không được phổ biến cho hay”,… Đồng thời, phổ biến tin đồn trên không gian mạng, cố gắng “giải mã” theo lối bịp bợm, phóng đại tin đồn theo thuyết âm mưu, liên kết một số sự kiện ngẫu nhiên,... bịa chuyện “đấu đá nội bộ”, “phe này, phe kia”, dựng ra tình huống giả tạo, giật gân, ly kỳ,... nhằm tác động tới sự tò mò của người tiếp cận, từ đó biến tin đồn thành “tin thật”, biến không thành có, biến tin đồn thành một thứ “hoang tin có lý” gây nghi ngờ, hoang mang, đầu độc dư luận.
Hiện nay, các mạng xã hội người Việt Nam đang sử dụng thường có xuất xứ nước ngoài, như facebook, youtube,… và xuất xứ trong nước, như me.zing.vn, yume.vn, tamtay.vn, clip.vn... Tuy nhiên, ở Việt Nam có tới 45 triệu người dùng mạng xã hội facebook, Việt Nam là một trong 10 nước có số người dùng youtube nhiều nhất, và tin đồn chủ yếu xuất hiện, lan truyền từ các mạng này. Đến nay, dù chủ quản facebook thừa nhận bị lợi dụng và bảo đảm sẽ thay đổi, nâng cấp giải pháp bảo mật, an ninh cho nền tảng mạng xã hội của họ để đối phó các thủ đoạn tung tin giả, tin lừa gạt, thao túng nội dung tại diễn đàn trao đổi,... nhưng thực tế chỉ vài giây sau khi tin đồn xuất hiện trên mạng xã hội, đã được lan truyền, thì khó có thể giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Vì vậy, chúng ta cần chủ động ứng phó tin đồn trên mạng, trong đó các cơ quan có trách nhiệm cần cung cấp thông tin chính thống, chính xác, kịp thời (trừ thông tin mật liên quan tới an ninh quốc gia) để tin đồn, tin sai sự thật không có cơ hội lan rộng tác động xấu đến xã hội, con người. Phải chủ động tuyên truyền để mỗi người dân luôn tin tưởng vào thông tin chính thống, đồng thời tạo điều kiện để mỗi người nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác, có tinh thần trách nhiệm, tỉnh táo và tự sàng lọc khi tiếp cận tin đồn, không biến bản thân và không biến trang cá nhân thành nơi chuyển tiếp, lưu giữ, truyền bá tin đồn.
Về luật pháp, hành vi tung tin đồn tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới trật tự, an toàn xã hội, uy tín, danh dự của tổ chức và cá nhân,... dưới bất kỳ hình thức nào, với bất cứ phương tiện truyền tải nào cũng đều là vi phạm pháp luật. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, tại khoản 1 Điều 5 quy định các hành vi bị cấm, có một số điểm đáng chú ý như: “a. Chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;... d. Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;... e. Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Vì thế, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần dựa trên cơ sở luật pháp để xử lý nghiêm mọi hành vi xâm phạm, góp phần củng cố niềm tin xã hội.
Theo Báo Nhân dân