|
Ông Nguyễn Mạnh Tú Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh |
Phóng viên: Thưa ông, năm học 2017-2018, chính sách BHYT đối với đối tượng HSSV có điểm gì mới và được thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Mạnh Tú: Theo quy định của Luật BHYT, tất cả HSSV đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, trừ những em HSSV được cấp thẻ BHYT theo các nhóm đối tượng khác. Điểm mới năm nay, theo quy định mới của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đối với mỗi người tham gia BHYT, gồm cả HSSV được cấp 1 mã số BHXH để sử dụng trong quá trình kê khai tham gia BHYT, hưởng BHYT và được sử dụng, gắn bó với các em không chỉ trong thời gian học tại nhà trường, mà sẽ theo sát các em trong cả quá trình trưởng thành và suốt cuộc đời.
Còn về phương thức đóng, mức đóng không thay đổi so với năm trước, nghĩa là vẫn đóng BHYT theo năm tài chính. Cụ thể, tiếp tục thực hiện phương thức thu phí BHYT linh hoạt để giảm nhẹ số tiền đóng góp của phụ huynh học sinh đầu năm học, theo đó: Đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1 thực hiện thu phí BHYT HSSV của những tháng còn lại năm 2017. Đối với HSSV đã thực hiện thu theo năm tài chính thì tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2017; cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HSSV 6 tháng hoặc một năm một lần nộp vào quỹ BHYT. Chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu HSSV có nguyện vọng và tự nguyện đóng chứ không bắt buộc.
Mức đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở nhân với số tháng tương ứng thời hạn sử dụng thẻ BHYT. Về mức đóng BHYT đối với HS-SV năm học 2017-2018 được điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng, cụ thể: Năm học 2017-2018, mức đóng (70%) BHYT HSSV tăng theo mức lương cơ sở là 40.950 đồng/tháng (mức cũ là 38.115 đồng/tháng).
Phóng viên: Đối tượng HSSV nào được miễn giảm BHYT? Hiện nay, có nhiều hình thức tham gia BHYT, vậy HSSV nên tham gia theo hình thức nào?
Ông Nguyễn Mạnh Tú: Theo quy định hiện nay, đối tượng HSSV được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT, không có chính sách miễn giảm (trừ một số HSSV tham gia theo các đối tượng khác được Nhà nước đóng 100% mức đóng BHYT như: HSSV thuộc đối tượng: Hộ gia đình nghèo, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, người sống ở vùng bãi ngang ven biển, thân nhân Công an, Quân đội…).
Theo quy định tại Điều 12, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung: Đối tượng tham gia BHYT được chia thành 5 nhóm đối tượng. Trong đó, HSSV thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng (nhóm 4) được xếp trên nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình (nhóm 5); Khoản 2, Điều 13, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung quy định: “Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này”.
Như vậy, HSSV chỉ được tham gia BHYT theo nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng và đăng ký tham gia BHYT thông qua nhà trường.
Phóng viên: Để đạt mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, cần triển khai những giải pháp gì?
Ông Nguyễn Mạnh Tú: Để năm học 2017-2018 đạt được tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT theo chỉ tiêu của UBND tỉnh giao tại Quyết định số 1951/QĐ-BHXH ngày 4-8-2016, ngành sẽ tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu sau: Tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, tăng cường chỉ đạo việc thực hiện công tác BHXH, BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho HSSV, phụ huynh học sinh về chính sách, pháp luật BHYT và vai trò của BHYT đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho HSSV. Qua đó, nâng cao nhận thức của phụ huynh học sinh và HSSV về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT HSSV và nghĩa vụ của mỗi người dân trong tham gia BHYT và thực hiện chính sách BHYT cho con em mình. Thông qua BHYT, các em sẽ được hỗ trợ, bảo vệ sức khỏe cho chính mình, các em học được cách đồng cảm với những người không may gặp rủi ro về sức khỏe xung quanh, được chia sẻ sự đóng góp của mình cho những người cần đến sự hỗ trợ từ quỹ BHYT. Điều đó góp phần hình thành nhân cách sống tốt có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Tiếp tục ký kết liên tịch với Sở Giáo dục và Đào tạo, chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục và đào tạo trong công tác tuyên truyền, vận động, thống kê, hướng dẫn HSSV tham gia BHYT, hướng dẫn công tác thu BHYT tại các trường, cấp thẻ BHYT kịp thời cho HSSV để đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh; phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong việc chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho HSSV; kịp thời cấp kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các trường đủ điều kiện, để các trường chủ động triển khai công tác chăm sóc sức khỏe cho HSSV.
Công tác BHYT toàn dân nói chung và công tác phát triển đối tượng HSSV tham gia BHYT nói riêng không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành BHXH, mà là nhiệm vụ chung của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cùng phối hợp thực hiện để góp phần hoàn thành chỉ tiêu số người tham gia BHYT của Thủ tướng Chính phủ giao. Vì vậy, ngành rất mong nhận được sự quan tâm, phối hợp của các ngành, đoàn thể, địa phương cũng như phụ huynh học sinh tham gia thực hiện tốt chính sách BHYT HSSV.
Phóng viên: Cảm ơn ông!
Xuân Bính (thực hiện)