Với quy mô diện tích 56 ha, mô hình CĐL từng bước xóa bỏ được tập quán sản xuất nhỏ lẻ, hướng đến sản xuất tập trung, nông dân cùng sử dụng một giống lúa xác nhận do doanh nghiệp cung cấp, cùng canh tác một quy trình kỹ thuật, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt. Quan trọng hơn, mô hình đạt được mục đích chính là nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận mặt hàng lúa gạo.
HTX Phước Hậu đóng vai trò quan trọng trong thực hiện thành công mô hình cánh đồng lớn
sản xuất lúa trong vụ hè - thu 2017. Ảnh: Anh Tùng
Trước thành công của mô hình CĐL, đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước đánh giá cao năng lực quản lý, uy tín của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phước Hậu (HTX) trong vận động các thành viên quyết tâm thực hiện đạt kết quả hơn cả mong đợi. Trong 10 năm trước, xã Phước Hậu tiên phong triển khai mô hình “3 giảm, 3 tăng”, sau đó là mô hình “1 phải, 5 giảm” gây được tiếng vang lớn, đến nay thực hiện thành công mô hình CĐL là sự tiếp bước có hệ thống trong cơ cấu lại ngành sản xuất lúa áp dụng công nghệ cao. Nhìn lại quá trình thực hiện mô hình CĐL ở xã Phước Hậu để thấy, vai trò của HTX rất quan trọng, thể hiện qua việc đại diện cho hộ thành viên tiến hành ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, tạo điều kiện cho tất cả thành viên cùng tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lúa, bình đẳng về lợi ích. Không những thế, HTX còn tiến hành ký hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, giải quyết được khó khăn về đầu ra cho mặt hàng nông sản.
Ninh Phước đang có kế hoạch nhân rộng mô hình CĐL không những đối với cây lúa, mà còn phát triển thêm nhiều loại cây trồng lợi thế khác để xứng danh là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Theo đó, vụ mùa và vụ đông-xuân sắp tới, huyện mở rộng CĐL sản xuất lúa từ 56 ha hiện nay lên 100 ha; đồng thời, xây dựng thêm mô hình CĐL sản xuất bắp quy mô 56 ha ở thôn Phước An 1 (xã Phước Vinh); CĐL sản xuất măng tây xanh quy mô 20 ha ở thôn Tuấn Tú (xã An Hải). Để đạt mục tiêu, huyện đề ra giải pháp củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX để thực hiện tốt vai trò đầu mối liên kết.
Trên địa bàn huyện hiện có 23 HTX nông nghiệp, sau khi chuyển sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012, một số đơn vị đã khắc phục khó khăn, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tiêu biểu như HTX Phước An, Phước Thiện (xã Phước Vinh), mỗi năm liên kết sản xuất hạt giống bắp lai với diện tích trên 500 ha, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên. HTX Hữu Đức hợp đồng sản xuất lúa sạch cho Công ty Jimmy Hung Anh Food với diện tích 50 ha/vụ, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tuy vậy, vẫn còn không ít HTX hoạt động yếu kém về năng lực, cơ sở vật chất hiện có sau chuyển đổi và thành lập mới còn hạn chế. Tồn tại lớn nhất của các HTX là thiếu vốn hoạt động, các tổ chức tín dụng chưa mạnh dạn đầu tư do không có tài sản thế chấp, không đề ra được phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả; trong khi đó, việc huy động vốn từ các hộ thành viên khó khăn. Để nâng cao hiệu quả kinh tế HTX, huyện đề ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Trước mắt, từ nay đến hết năm 2017 tập trung xử lý, giải thể dứt điểm các HTX nông nghiệp đã ngừng hoạt động như Trường Sanh, Hoài Nhơn (xã Phước Hậu), Phú Nhuận, Đại Đoàn Kết (xã Phước Thuận); đồng thời, củng cố các HTX hoạt động cầm chừng, nhất là những HTX thực hiện chương trình CĐL sắp tới như HTX Tuấn Tú. Trên tinh thần đó, huyện chú trọng thực hiện các giải pháp về cơ chế chính sách, chú trọng đề xuất ngành chức năng giao quyền sử dụng đất cho HTX, hỗ trợ, hoàn thiện thủ tục pháp lý đề nghị các tổ chức tín dụng cho HTX vay vốn với lãi suất ưu đãi để có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh. Về lâu dài, huyện tập trung hỗ trợ HTX xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Anh Tùng