Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, tuyến đường sắt Bắc-Nam qua địa bàn tỉnh ta có chiều dài 61 km, nhưng có tới gần 100 đường ngang và lối đi dân sinh ngang qua đường sắt. Trong đó chỉ có 28 đường ngang hợp pháp, có rào chắn, người gác hoặc đèn cảnh báo tự động, còn lại hầu hết là đường đất, đoạn vượt qua đường sắt không thuận lợi, lòng đường sắt không được lát tấm đan, tầm nhìn quan sát tàu không đảm bảo nên nguy cơ xảy ra tai nạn ở những lối đi dân sinh này là rất cao.
Những đường ngang giao với đường sắt luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Ảnh: Anh Tuấn
Ông Trương Phi Hùng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Để góp phần giảm TNGT đường sắt trên địa bàn, nhiệm vụ cần thiết phải thực hiện đó là nâng cấp các đường ngang và thực hiện các biện pháp rào thu hẹp lối đi dân sinh. Mặt khác, cần thiết phải đầu tư cải tạo mặt lát tại các lối đi. Về lâu dài, thực hiện lộ trình đến năm 2020 xóa bỏ toàn bộ các lối đi dân sinh hiện có trên địa bàn.
Nhằm khắc phục những tồn tại, đảm bảo ATGT đường sắt, thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện quy chế phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc đảm bảo ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Trong tỉnh đã chủ động tổ chức cử người cảnh giới tại một số đường dân sinh nguy hiểm, không để phát sinh thêm lối đi bất hợp pháp; cải tạo, nâng cấp 4 đường ngang, cắm biển “chú ý tàu hỏa” tại 65/65 lối đi dân sinh; tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra ATGT tại các điểm giao cắt đường bộ, đường sắt; tổ chức sâu rộng việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT cho nhân dân trên các phương tiện truyền thông.
Tuy nhiên, hiện nay tại các vị trí đường ngang giao với đường sắt và lối đi dân sinh chưa được quan tâm đúng mức, các vụ TNGT đáng tiếc vẫn thường xảy ra do chưa được đầu tư xây dựng các biện pháp an toàn theo quy định. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 19 vị trí đường ngang hợp pháp và 63 lối đi dân sinh giao cắt với đường sắt cần phải đầu tư xây dựng gờ, gồ giảm tốc và bố trí hệ thống biển báo nhằm giảm thiểu TNGT giữa đường bộ với đường sắt. Dự kiến chi phí đầu tư cho các hạng mục ước tính khoảng 3,6 tỷ đồng; trong đó, đầu tư gờ, gồ giảm tốc tại 19 vị trí đường ngang là 2,85 tỷ đồng (150 triệu đồng/vị trí); đầu tư lắp đặt bổ sung hệ thống biển báo đối với lối đi dân sinh tại 63 vị trí là 756 triệu đồng (12 triệu đồng/vị trí).
Theo Sở Giao thông vận tải, hiện nay nguồn vốn thực hiện công tác bảo trì đường bộ rất hạn hẹp, nguồn vốn ngân sách của tỉnh cũng khó khăn, trong khi đó các vị trí đường giao nhau với đường sắt rất cần đầu tư sớm để giảm thiểu TNGT. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã đề nghị Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương hỗ trợ kinh phí để có cơ sở triển khai đầu tư nhằm cải thiện chất lượng các vị trí đường ngang giao với đường sắt, nhằm góp phần hạn chế TNGT giữa đường bộ với đường sắt, đảm bảo ATGT trên địa bàn tỉnh.
Trong khi chờ kinh phí từ Trung ương, các địa phương cần chủ động công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức để người dân cảnh giác, thận trọng khi đi qua các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, tránh để xảy ra những vụ tai nạn thương tâm, gây hậu quả đáng tiếc như thời gian qua.
Anh Tuấn