Chính vì những ưu điểm vượt trội này, dịch vụ nấu ăn di động được nhiều người dân, cơ quan, đơn vị lựa chọn mỗi khi tổ chức tiệc tùng, sự kiện và có xu hướng ngày càng phát triển. Tuy nhiên, tiềm ẩn bên trong là nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP)…
Dạo quanh một vòng trên địa bàn Tp.Phan Rang- Tháp Chàm, không khó tìm ra một vài cơ cở dịch vụ nấu ăn lưu động. Trong vai một khách hàng có nhu cầu đặt tiệc, chúng tôi tìm đến một cơ sở có tên là P.K, nằm trên đường Trường Chinh (phường Văn Hải). Nắm được đặc thù của dịch vụ này thường là cơ sở nấu sẵn món ăn hoặc sơ chế nguyên liệu, sau đó vận chuyển thực phẩm đến nơi tổ chức đám tiệc, nên sau khi thỏa thuận về món ăn và giá, chúng tôi yêu cầu chủ cơ sở cho chúng tôi đi xem khu vực chế biến thức ăn. Qua quan sát, nơi chế biến thức ăn chính là bếp ăn của gia đình, còn khu vực sân trước căn nhà được dùng làm nơi sơ chế thực phẩm tươi sống. Khu vực này ước chừng khoảng sân rộng 15m2, bày biện đủ thứ đồ dùng, dụng cụ như xe máy, giày dép, dây phơi quần áo… Khi chúng tôi yêu cầu cho xem Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, chủ cơ sở tỏ vẻ khá ngạc nhiên, cho biết: Làm nghề này gần cả chục năm, có khi phục vụ lên đến 500, 700 suất ăn, tôi chưa thấy có khách hàng nào hỏi xem cái giấy đó cả, mà cũng chẳng thấy có cơ quan nào đến kiểm tra, nhắc nhở. Khách hàng chủ yếu quan tâm thức ăn có tươi ngon, giá cả thế nào thôi!.
Rời cơ sở P.K, chúng tôi tìm đến một cơ sở khác, cũng nằm trên tuyến đường Trường Chinh. Cơ sở này cũng không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; khu vực chế biến không áp dụng theo quy trình một chiều theo quy định…
Không chỉ khu vực sơ chế, chế biến không đủ tiêu chuẩn, mà trong quá trình vận chuyển thực phẩm, thức ăn đến nơi tổ chức đám tiệc cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP. Theo tìm hiểu, phương tiện mà các cơ sở này sử dụng để vận chuyển thức ăn đều không phải là xe chuyên dụng; không có thiết bị bảo quản thức ăn đã nấu chín. Nguyên liệu thực phẩm đầu vào của các cơ sở này thường không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; các món ăn sau khi được chế biến không được lưu mẫu; nhân viên chế biến và phục vụ đa số không có kiến thức về ATTP, không có giấy khám sức khỏe… Trong khi đó, đây được xem là loại hình bếp ăn tập thể, phục vụ nhiều người cùng một lúc nên rất có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm tập thể. Trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm cũng sẽ khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc…
Mặc dù tồn tại nhiều bất cập, việc quản lý các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động lại hết sức khó khăn. Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 40 cơ sở dịch vụ nấu ăn di động, tuy nhiên hầu hết đều chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Đó là chưa kể các cơ sở nhỏ lẻ, hoặc nhiều cơ sở phát sinh địa phương chưa cập nhật kịp thời. Ngoài ra, còn có nhiều cơ sở ở các tỉnh, thành phố lân cận đến địa phương phục vụ… gây khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát.
Ông Phạm Trọng Hoàng Vũ, Chi cục Trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh cho biết: Với sự phát triển ngày càng rầm rộ, cùng những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý, vấn đề ATTP ở các cơ sở dịch vụ nấu ăn di động đang được ngành Y tế hết sức quan tâm. Theo Quyết định số 2223/QĐ-UBND ngày 13-9-2016 của UBND tỉnh, hiện việc quản lý các dịch vụ trên thuộc thẩm quyền của UBND huyện, thành phố. Thời gian tới, Chi cục VSATTP tỉnh sẽ tham mưu, kiến nghị với Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP của tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ đạo VSATTP các địa phương thực hiện các giải pháp siết chặt công tác quản lý đối với loại hình dịch vụ này; đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và xử phạt những cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần phát huy vai trò, trách nhiệm không chỉ lựa chọn các cơ sở dịch vụ chất lượng, có uy tín, mà còn tích cực giám sát, phát hiện và tố giác những trường hợp vi phạm để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Uyên Thu