Thực hiện Chỉ thị trên, từ năm 2012 đến nay, bằng nguồn vốn Trung ương, tỉnh và địa phương, UBND huyện Ninh Phước đã đầu tư hỗ trợ nhiều chương trình, dự án tại các vùng đồng bào Chăm sinh sống. Về hệ thống thủy lợi, từ năm 2004 đến nay, trên địa bàn huyện Ninh Phước đã đầu tư xây dựng các công trình như: Sông Biêu, Bàu Zôn, Tà Ranh, Lanh Ra; hệ thống kênh Tiêu, Hóc Rọ, bờ sông Lu 1, 2, với chiều dài gần 5.000 m; kiên cố kênh mương cấp II, III, với chiều dài 68 km... phục vụ sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Đến nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào Chăm canh tác khoảng 4.067 ha; trong đó, diện tích lúa 2.910 ha, hoa màu 833 ha, cây trồng khác 323 ha...
Thành viên HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) chăm sóc cây măng tây xanh.
Bên cạnh đó, huyện Ninh Phước đã triển khai và lồng ghép với các Chương trình 134, 167... đã hỗ trợ 36 tỷ đồng, trong đó xây dựng 1.397 nhà ở, thực hiện chuyển đổi nghề 184 hộ; hệ thống điện lưới quốc gia được phủ kín khắp vùng đồng bào Chăm, phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho bà con. Thêm vào đó, các hạng mục công trình như: chợ, bê-tông đường giao thông phục vụ nhu cầu giao thương của bà con cũng được quan tâm thực hiện, với kinh phí đầu tư 22,7 tỷ đồng, gồm xây dựng đường giao thông nội đồng, nội thôn cho các xã Phước Hữu, Phước Thái, Phước Hậu và An Hải... Các ngành nghề truyền thống của đồng bào Chăm được Nhà nước quan tâm đầu tư, khôi phục và phát triển như làng nghề gốm Bàu Trúc, làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ… Các doanh nghiệp tổ chức các tour du lịch trong và ngoài tỉnh gắn kết với tham quan làng nghề…, qua đó từng bước quảng bá, giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến với du khách, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…
Cùng với phát triển kinh tế, những năm qua, các chính sách dân tộc được triển khai kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả. Phong trào khuyến học, khuyến tài ngày càng được mở rộng; các hoạt động văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao hằng năm; nhiều giá trị văn hóa của đồng bào Chăm được quan tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Hệ thống y tế được quan tâm đầu tư và phát triển, tạo điều kiện cho người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Mối quan hệ đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân cư ngày càng gắn bó; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào Chăm nhìn chung được giữ vững, lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố, nâng lên...
Đồng chí Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết: Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 06/CT-TTg đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào Chăm trong huyện. Kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, đời sống đồng bào ngày được nâng cao, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 12,05% (trước khi thực hiện Chỉ thị 06/CT-TTg) xuống còn 5,02%. Để phát huy những mặt tích cực, khắc phục những hạn chế, thời gian tới, huyện Ninh Phước tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào Chăm; tích cực vận động đồng bào Chăm phát huy truyền thống và bản sắc văn hóa tốt đẹp cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Phan Hiếu