Thuận Nam: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng cấp xã

(NTO) Huyện Thuận Nam có tổng diện tích tự nhiên 56.453,11ha, dân số hơn 56 ngàn người, sinh sống trên địa bàn 8 xã; trong đó có 3 xã ven biển, 4 xã cận sơn và 1 xã miền núi.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) ở nông thôn, miền núi theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21-11-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gắn với thực tiễn tình hình của địa phương, Huyện ủy Thuận Nam đã xây dựng Nghị quyết số 12-NQ/HU ngày 22-3-2013 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ ở nông thôn, miền núi, ven biển Thuận Nam giai đoạn đến năm 2015 và những năm tiếp theo” nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, giúp đảng ủy các xã kiện toàn về tổ chức, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) ở địa phương.

Nông dân xã Phước Nam (Thuận Nam) tập trung chăm sóc lúa vụ hè- thu 2017. Ảnh: Sơn Ngọc

Đồng chí Nguyễn Thiện Quang, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy, cho biết: Ngay sau khi có Nghị quyết 12-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy, 39/39 TCCSĐ trong toàn huyện đã tổ chức học tập, quán triệt đến cán bộ, đảng viên (CB-ĐV) để có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết đề ra. Đồng thời, cụ thể hoá tinh thần Nghị quyết 12-NQ/HU vào chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng-an ninh ở địa phương. Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy trực tiếp chỉ đạo 8 TCCSĐ cấp xã gồm: Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná, Nhị Hà, Phước Nam, Phước Ninh, Phước Minh và Phước Hà thường xuyên đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, chấp hành nguyên tắc tổ chức của Đảng; chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các chi bộ trực thuộc; tăng cường giải quyết vướng mắc và những vấn đề bức xúc trong Nhân dân, nhất là các địa bàn trọng điểm, nhạy cảm. Mặt khác, để nâng cao chất lượng đội ngũ CB-ĐV trong hệ thống chính trị cấp xã, Ban Thường vụ Huyện ủy đã điều động 5 cán bộ chủ chốt cấp huyện về xã làm bí thư đảng ủy xã; đồng thời, kiện toàn lại tổ chức bộ máy chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cấp xã; tạo điều kiện cho CB, công chức xã tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị.

Nhờ bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, các đảng ủy xã đã vận dụng linh hoạt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Tiêu biểu có đảng ủy các xã Phước Nam, Phước Ninh đã tập trung lãnh đạo giúp người dân thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và chăn nuôi bò, dê, cừu vỗ béo. Đảng ủy xã Phước Minh tập trung lãnh đạo Nhân dân khắc phục hậu quả nhiễm mặn, ổn định đời sống, sản xuất. Đảng ủy xã Phước Hà, Nhị Hà chú trọng lãnh đạo việc cung cấp, chuyển giao tiến bộ về khoa học-kỹ thuật trong sản xuất; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang cây đậu xanh, cây mía để thích nghi với điều kiện khô hạn; thực hiện tốt chương trình tam nông và các chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH miền núi. Đảng ủy các xã Phước Diêm, Cà Ná, Phước Dinh tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình kinh tế biển, nuôi trồng, đánh bắt hải sản, như: Tổ cộng đồng nuôi trồng thủy sản, các tổ, đội đoàn kết đánh bắt trên biển gắn với xây dựng lực lượng dân quân biển và phát triển các ngành nghề chế biến hải sản truyền thống.

Mặt khác, các đảng ủy xã trên địa bàn huyện cũng phát huy tốt vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; khắc phục được những hạn chế về khả năng vận dụng các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, về công tác quản lý, giáo dục rèn luyện CB-ĐV cũng như công tác phát triển ĐV khu vực nông thôn, miền núi. Nhờ đó, công tác phát triển ĐV được quan tâm chỉ đạo sâu sát, bảo đảm chặt chẽ về nguyên tắc, thủ tục, quy trình, tiêu chuẩn và chất lượng với kết quả bình quân mỗi năm kết nạp 35 ĐV mới. Bên cạnh đó, số lượng chi bộ trực thuộc các đảng bộ xã hiện nay cũng tăng 1 chi bộ, số lượng ĐV tăng 122 người (so với năm 2013); 38/38 thôn có chi bộ đảng. Chất lượng xếp loại hằng năm đối với các chi bộ trực thuộc đảng ủy cấp xã đạt “hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên, chiếm 86,7%; số ĐV hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên chiếm 82,5%.

Đồng chí Nguyễn Thiện Quang cho biết thêm: Thành quả trong phát triển KT-XH cũng như sự chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng Đảng ở cấp xã trên địa bàn huyện những năm qua, cho thấy Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy được cụ thể hóa thông qua Nghị quyết số 12-NQ/HU của Huyện ủy như một “đòn bẩy” tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng các cấp trong toàn Đảng bộ huyện nói chung và các đảng bộ xã nói riêng, làm cho CB-ĐV có nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, củng cố các TCCSĐ, hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn, miền núi, ven biển, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Hiệu quả của công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở đã thúc đẩy KT-XH ở các địa bàn nông thôn, miền núi và ven biển có nhiều chuyển biến tích cực; cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi phù hợp theo hướng khai thác lợi thế vùng. Cấp ủy, chính quyền các xã đã huy động và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực đầu tư cho phát triển. Hệ thống chính trị nông thôn, miền núi, ven biển được củng cố, kiện toàn; dân chủ cơ sở được phát huy; diện mạo nông thôn, miền núi có nhiều đổi mới, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Đây là động lực quan trọng cho toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thuận Nam tiếp tục nêu cao quyết tâm chính trị, đoàn kết, xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển bền vững.