Những người tham gia kháng chiến, nhân dân trong thời chiến, đến thế hệ những đứa con, đứa cháu sinh ra trong thời bình của những người cựu chiến binh, của người dân trong vùng phơi nhiễm CĐDC vẫn bị dị tật, mang những nỗi đau thể xác và tinh thần. Bởi vậy, để tri ân công lao, đóng góp của những người cựu chiến binh, xoa dịu nỗi đau dai dẳng của nạn nhân CĐDC rất cần những tấm lòng quan tâm, sẻ chia trong cộng đồng, xã hội.
Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao tiền hỗ trợ
cho các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh.
Cùng với cả nước, những năm qua, nạn nhân CĐDC trong tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của chính quyền địa phương với nhiều chính sách, chế độ ưu đãi cho nạn nhân CĐDC. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 11.992 người bị phơi nhiễm CĐDC (hiện 11.640 người còn sống). Trong đó, có 505 người tham gia kháng chiến và con người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐDC; 2.428 nạn nhân da cam là dân thường và con của người dân bị nhiễm CĐDC, hiện đang được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ông Trần Văn Năm, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh, cho biết: Mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ nhưng qua điều tra, phần lớn nạn nhân CĐDC đều có hoàn cảnh rất éo le, thương tâm. Có gia đình có đến hai, ba người con cùng chịu ảnh hưởng bởi CĐDC, sức khỏe yếu, thường xuyên ốm đau nên kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Đây là những đối tượng rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội.
Để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, thời gian qua, ngoài việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh triển khai nhiều phong trào và hoạt động có ý nghĩa xã hội sâu sắc như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Vì nạn nhân chất độc da cam”... hướng tới trợ giúp những đối tượng chịu ảnh hưởng bởi CĐDC. Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền và quyên góp ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nạn nhân CĐDC. Hội đã vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hàng tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa nhà ở, tặng sổ tiết kiệm cho các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn; thăm, tặng quà nhân các ngày lễ, tết; hỗ trợ khám, chữa bệnh hiểm nghèo, điều trị phẫu thuật ở bệnh viện Trung ương và địa phương… Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017, Hội đã phối hợp với một số đơn vị thăm, tặng quà các nạn nhân ở các huyện, thành phố với tổng số tiền gần 220 triệu đồng; tặng 10 xe lăn trị giá gần 20 triệu đồng, tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí và hỗ trợ tiền viện phí cho hàng trăm lượt nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn…
Thông qua tổ chức Hội, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ bằng nhiều hình thức thiết thực. Điển hình phải nói đến Công ty Cổ phần Quốc tế truyền thông IMC (TP. Hồ Chí Minh), ngoài việc hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng để góp phần xây dựng Trung tâm Nuôi dưỡng nội trú cho nạn nhân CĐDC tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, từ năm 2015 đến nay, hằng năm công ty còn hỗ trợ 15 suất nuôi dưỡng ngoại trú cho 15 nạn nhân CĐDC, mỗi suất 12 triệu đồng/năm… Những hành động thiết thực này đã góp phần xoa dịu nỗi đau da cam và thể hiện trách nhiệm của toàn xã hội. Chị Lê Thị Tú Tâm ở xã Quảng Sơn (Ninh Sơn), có con là nạn nhân CĐDC, chia sẻ: Gia đình cảm ơn sự quan tâm của Hội và Công ty IMC đã hỗ trợ giúp đỡ. Đây là số tiền rất lớn, giúp gia đình vượt qua khó khăn trong năm qua.
Ông Trần Văn Năm cho biết thêm: Thời gian tới, Hội tiếp tục tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước để động viên, giúp đỡ nạn nhân CĐDC hòa nhập cộng đồng. Tiếp tục thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm: Chăm sóc giúp đỡ nạn nhân tốt hơn trong cuộc sống; cùng Trung ương Hội ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam. Hội thường xuyên thực hiện công tác điều tra, khảo sát tình hình đời sống các nạn nhân, lập danh sách đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng; vận động, chăm lo giúp đỡ họ trong cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày thông qua các chế độ, chính sách, các hoạt động từ thiện xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú để hỗ trợ nạn nhân CĐDC ngày một tốt hơn.
Cố gắng vượt lên trên nỗi đau bằng tinh thần nghị lực và tình yêu cuộc sống nhưng trong thực tế gia đình các nạn nhân CĐDC trên địa bàn tỉnh ta vẫn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn về vật chất và tinh thần. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết cần sự chung tay giúp đỡ, hỗ trợ về vật chất, quan tâm động viên về tinh thần của cả cộng đồng xã hội. Từ đó, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam và cũng là hành động thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tin tưởng rằng, với sự chung tay, chia sẻ của cộng đồng xã hội, các nạn nhân CĐDC sẽ được chăm sóc, giúp đỡ tốt hơn về mọi mặt.
Xuân Bính