Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X (nhiệm kỳ 2005 – 2010), một trong những nhiệm vụ xuyên suốt được đặt lên hàng đầu đối với Đảng bộ xã Phước Thắng (Bác Ái) là xây dựng và phát triển kinh tế tại vùng tái định cư. Năm 2005, với chủ trương xây dựng Hồ Sông Sắt có sức chứa 65 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho trên 4.000 ha đất nông nghiệp của các xã hạ lưu từ Phước Đại đến Phước Thắng, Phước Chính và một phần xã Phước Tiến, trên 600 hộ dân thuộc 4 thôn của xã Phước Thắng đã chấp hành chủ trương di dời về khu định cư mới trên vùng đất giữa xã Phước Đại và Phước Tiến. Là vùng đất mới khai hoang, lại không chủ động nước tưới, trình độ canh tác và điều kiện sản xuất có hạn, nên bước đầu việc sản xuất của đồng bào gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng bộ xã đã lãnh đạo chính quyền vận động nhân dân ra sức ổn định sản xuất, bố trí cây trồng vật nuôi phù hợp để đảm bảo đời sống.
Đồng chí Ka-tơ Chiêu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Thắng cho biết: Những năm đầu, công trình thủy lợi Hồ Sông Sắt chưa đưa vào khai thác, thiếu nước sản xuất, có không ít hộ dân bỏ đất hoang và trở về rẫy cũ canh tác, nhưng chính quyền đã vận động dân đắp bờ bao giữ nước, tìm cây trồng thích hợp để “thuần đất”. Theo đó, năm 2007 – 2008, tình hình sản xuất bước đầu đi vào ổn định. Từ năm 2009, công trình thủy lợi Hồ Sông Sắt hoàn thành, với việc kênh cấp I dẫn nước về, xã đã tập trung chỉ đạo nhân dân tận dụng tối đa nguồn nước để sản xuất lúa nước; với sự hỗ trợ đầu tư giống, phân bón và kỹ thuật sản xuất nên năng suất cây trồng từng bước được nâng lên. Toàn xã hiện có 540 ha đất canh tác, (trung bình mỗi hộ có 0,8 ha). Trong năm qua, các diện tích cây trồng đã cho thu hoạch. Cụ thể lúa nước 135 ha, năng suất từ 3 tấn đến 4 tấn/ha, bắp lai 184ha, năng suất 2,3 tấn/ha, đậu các loại 98,5ha, năng suất 0,6tấn/ha và bước đầu thử nghiệm trồng 8 ha cây mía đường. Các chương trình khuyến nông, đặc biệt là trình diễn kỹ thuật canh tác mới trên cây bắp lai, cây lúa nước đã giúp nhân dân quen với kỹ thuật canh tác mới; mô hình trồng cây bắp lai, “3 giảm, 3 tăng” trên cây lúa cho năng suất cao.
Bên cạnh từng bước ổn định sản xuất, các điều kiện về kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm cơ bản được đầu tư, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; công tác giáo dục, y tế ngày càng được chăm lo... Đó là những điều kiện để đồng bào định cư ổn định phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, số hộ nghèo trên địa bàn xã vẫn còn cao (chiếm tỷ lệ 61%), năng suất cây trồng thấp và thiếu tính bền vững, các thế mạnh của địa phương chưa được khai thác hiệu quả. Vấn đề đặt ra mà Đảng bộ xã Phước Thắng đang hướng tới trong những năm tiếp theo là phát triển ổn định, vững chắc, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao mức sống cho người dân. Trên cơ sở những tiền đề về ổn định sản xuất, lại được sự hỗ trợ từ chương trình 30a của Chính phủ, tiếp tục phát huy những tiềm năng về đất đai, lao động, nguồn vốn và lợi thế của địa phương, Đảng bộ xã xác định phải đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển kinh tế nông nghiệp, với mũi nhọn là trồng lúa nước và chăn nuôi gia súc có sừng gắn với mô hình VAC, chú trọng thâm canh tăng năng suất cây trồng.
Đồng chí Ka-tơ Chiêu cho biết thêm: Một trong những giải pháp phát triển trong thời gian tới của xã là tập trung cho công tác quy hoạch sản xuất, bố trí và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Chú trọng nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, dạy nghề và tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho nhân dân; triển khai có hiệu quả Chương trình theo đề án giảm nghèo của huyện trên địa bàn xã, phấn đấu hàng năm giảm 40 hộ nghèo, đến năm 2015 số hộ nghèo còn dưới 30%”.
Ngũ Anh Tuấn